Dự báo sớm sức hút nhà liền thổ theo các đơn vị nguyên cứu phân khúc nhà liền thổ vẫn luôn có thế mạnh và sức hút riêng…
Báo cáo “Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2023” của CBRE Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản Hà Nội đang trên con đường phục hồi trong bối cảnh còn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc siết chặt tín dụng bất động sản và lãi suất tăng cao, kéo theo sự trì hoãn các đợt mở bán của một số dự án, tiến độ thi công của những dự án hiện hữu cũng bị ảnh hưởng.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, từ năm 2023, thị trường nhà ở gắn liền với đất của Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận các đợt mở bán của dự án VOCP3 và một vài dự án khác, bao gồm Vinhomes Cổ Loa Đông Anh ở phía Bắc và Mailand Hanoi City ở phía Tây Thành phố. Tổng nguồn cung mở bán mới trong thời gian tới dự kiến đạt hơn 16.000 sản phẩm.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, thanh khoản thị trường bất động sản có thể được cải thiện trong năm nay, nhưng sẽ tập trung vào các sản phẩm mua để ở hơn là đầu tư.
Riêng tại Hà Nội, theo bà Hằng, thị trường này dự báo đón khoảng 1.600 sản phẩm mới từ 15 dự án. Trong đó, huyện Hoài Đức dự kiến cung cấp 20% nguồn cung tương lai, tiếp sau là huyện Thanh Trì với 16% và quận Long Biên với 15%. Đặc biệt, các dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở nơi đặt dự án.
Thực tế, trong quá trình phát triển dự án, việc có nhiều vấn đề phát sinh đã đẩy chi phí thực tế cao hơn dự phòng ban đầu. Chẳng hạn, việc xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài khiến chi phí đầu tư tăng lên, từ đó tác động đến giá bán sản phẩm. Ngoài ra, tại thị trường thứ cấp, việc trải qua nhiều lần mua đi bán lại cũng khiến giá sản phẩm bị đẩy lên cao, dẫn đến khó khăn khi đưa ra quyết định điều chỉnh giá.
Theo bà Hằng, vì giá bán neo cao nên các giao dịch chốt thành công chủ yếu diễn ra ở nhóm khách hàng có thu nhập cao, trong điều kiện có lượng tiền nhàn rỗi nhất định và ít sử dụng vốn vay ngân hàng. Dẫu vậy, việc không phải chịu áp lực tài chính trong điều kiện lãi suất ngân hàng tăng khiến sự điều chỉnh giá tại phân khúc này diễn ra không rõ rệt.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư và những người có nhu cầu ở thực sẵn nguồn tài chính đều đang muốn “nhảy” vào thị trường tìm kiếm cơ hội khi thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn. Chị Ngọc Huyền sống tại quận 9, TP.HCM đã nhiều năm tham gia vào lĩnh vực bất động sản và cũng chứng kiến thăng trầm của thị trường nhìn nhận, đây là thời điểm tốt để tham gia thị trường nhà đất đối với những người có sẵn dòng tiền.
“Có những nơi bất động sản đã có mức giảm đến hơn 20 – 25% từ những nhà đầu tư cắt lỗ do “ngộp” vốn hoặc gồng lãi ngân hàng. Tôi nghĩ đây là con số rất phù hợp để mua vào vì để các sản phẩm nhà đất có chất lượng giảm sâu hơn sẽ rất khó. Chỉ có những sản phẩm đầu cơ, đất rừng, đất ruộng không có giá trị khai thác thực tế, hay đất vướng pháp lý, quy hoạch, vị trí không đẹp mới giảm sâu hơn”, chị Huyền chia sẻ.
Cũng theo anh Nguyễn Điền, sống tại TP. Thủ Đức cho biết, từ những tháng cuối năm 2022 cho đến thời điểm hiện tại, anh đã bắt đầu quan sát thị trường thì nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu xuống tiền “đi săn”. Nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính mua bất động sản đến thời điểm này đang có dấu hiệu đuối sức, vậy nên khi giao dịch sẽ dễ dàng trong việc thương lượng giá bán.
“Tôi đã xác định đầu tư mua bán đất nền và nhà liền thổ thì sẽ đầu tư dài hạn và giữ hàng ít nhất 3 – 5 năm trở lên. Còn với căn hộ thì phải ưu tiên lựa chọn những dự án có pháp lý đầy đủ, vị trí di chuyển thuận lợi và tầm giá phù hợp nhu cầu ở thực để cho thuê tạo ra dòng tiền ổn định hàng tháng”, anh Điền nhận định.
Tổng Hợp
(Realtime, Đầu Tư Chứng Khoán)