Giới chuyên gia nhận định, phân khúc đất nền từng “làm mưa làm gió” thời “sốt đất” song sẽ là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường giảm thanh khoản.
Lý giải nguyên nhân khiến phân khúc bất động sản đất nền chững lại, trong buổi họp báo thị trường bất động sản Việt Nam quý 3/2022, do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức, một số chuyên gia cho rằng, nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng “ôm” đất nền kiểu mua đi bán lại đã hết ân hạn nợ gốc. Bình thường, các ngân hàng sẽ cho nhà đầu tư vay tiền trong khoảng thời gian đầu với lãi suất ưu đãi, nhưng sau đó sẽ tính theo lãi suất thả nổi ngân hàng. Nếu áp lãi suất thả nổi, chắc chắn là ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng chi trả của nhà đầu tư.
Mặt khác, lâu nay, đất một số khu vực có thông tin về dự án hạ tầng lớn bị “thổi” lên quá cao so với giá trị thực. Đến khi dự án không được thực hiện, giá ở khu vực này cũng giảm một cách trầm trọng. Tuy nhiên, việc giá giảm không đại diện cho toàn thị trường mà chỉ xảy ra ở những điểm sốt nóng trước đây. Ngoài ra, việc thị trường giảm sức hút còn vì các doanh nghiệp, người dân thời gian qua khó tiếp cận được dòng tiền từ ngân hàng.
Theo các chuyên gia, đây như những “cú đấm thép” liên tiếp nã vào nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính để mua bất động sản. Song thực tế vẫn sẽ không ít nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh âm thầm mua gom các sản phẩm bất động sản vị trí tốt, chờ đợi nhịp sóng trở lại. Bởi “trong nguy luôn có cơ”, các nhà đầu tư có thể “bắt đáy” thị trường khi thị trường bắt đầu vào quá trình thanh lọc. Nhưng giai đoạn kiếm tiền dễ từ bất động sản đã đi qua, không phải cứ mua là trúng như trước nên cần tính toán, thanh lọc cẩn trọng các sản phẩm đầu tư.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo thị trường nhà đất đang trong vòng xoáy của việc kiểm soát tín dụng, khách hàng giờ đây chủ yếu mua bằng “tiền tươi thóc thật” nên các dự án được bảo chứng về chất lượng, chủ đầu tư uy tín, đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp sẽ được quan tâm hơn.
Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tại TP.HCM, cả lượng tiêu thụ, sức cầu, nguồn cung của phân khúc đất nền ở TP. HCM và các tỉnh giáp ranh trong quý 3/2022 đều giảm đáng kể so với quý trước.
Cụ thể, trong quý vừa qua, thị trường đất nền TP. HCM và các tỉnh giáp ranh có 9 dự án mở bán với nguồn cung 1.057 nền, giảm 65,6%; lượng tiêu thụ chỉ đạt 22%, giảm 77,8% so với quý trước. Trong quý 2, dù mức độ quan tâm giảm nhưng giá bán đất nền vẫn neo cao và tăng hầu hết ở tất cả các quận, huyện. Tới quý 3 khi thị trường bắt đầu hạ nhiệt thì nhanh chóng có sự giảm giá, cắt lỗ. Giới chuyên gia nhận định, phân khúc đất nền từng “làm mưa làm gió” thời “sốt đất” song sẽ là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường giảm thanh khoản.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhìn chung quý 3 vừa qua giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án phải sử dụng đến chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại… Hiện tượng “sốt đất”, “bong bóng” gần như không còn xuất hiện, đặc biệt là với sản phẩm đất nền bởi hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.
Mức độ quan tâm đến bất động sản trên cả nước đã suy giảm đáng kể từ thời điểm tháng 3 năm nay. Nhiều tỉnh thành chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản quý 3 giảm so với quý trước, như Hải Phòng ước tính giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%. Ngoài ra một số tỉnh khác là Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu tìm mua bất động sản thấp tầng (tính gộp đất, đất nền dự án và nhà riêng) cũng sụt giảm 19-33%.
Tổng Hợp