Phân khúc đất nền đã tạo ra những đợt sóng mạnh vào thời điểm đầu năm và cuối năm 2021. Điều này cho thấy phân khúc này đã có sự phục hồi và tăng trưởng rất tốt ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Thị trường đất nền năm 2021 đã thiết lập mặt bằng giá mới. Nhiều nơi ghi nhận mức giá tăng chóng mặt như Hòa Bình, Thái Nguyên, Huế, Cần Giờ,…
Những ngày qua, đất đai ở một số khu vực ghi nhận nóng lên khiến giá tăng bất chấp. Chính quyền nhiều địa phương cũng đã ban hành các văn bản tạm dừng tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép,… Đây là những dấu hiệu cho thấy đất nền có thể sẽ tiếp tục là phân khúc tạo sóng trong năm 2022.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam nhận định, trong năm 2022, rất có thể sẽ có cơn sốt đất cục bộ xảy ra ở vài địa phương có dự án, công trình giao thông, định hướng phát triển kinh tế – xã hội (như nâng cấp đô thị) hoặc cả thông tin giả mạo, mơ hồ để tạo ra những cơn sốt ảo cục bộ. Càng về cuối năm, làn sóng săn mua bất động sản (BĐS) nhộn nhịp diễn ra tại nhiều tỉnh thành phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Phan Thiết… Trong đó, giới đầu tư BĐS tiếp tục đổ về Bà Rịa – Vũng Tàu tạo ra làn sóng ngầm thu mua đất nền và đẩy giá đất leo thang.
Đất nền là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19 trong 2 năm qua, nhưng sản phẩm của phân khúc này lại ghi nhận tốc độ phục hồi mạnh mẽ trên thị trường. Bằng chứng là khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trong năm 2021 bùng phát, đất nền là phân khúc chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhất về nguồn cung và nhu cầu giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, ghi nhận từ quý IV/2021 đến nay, khi nhiều tỉnh thành bắt đầu nới lỏng giãn cách và rục rịch mở cửa lại kinh tế, chuẩn bị giao thương trở lại, mức độ quan tâm tìm kiếm đất nền của nhà đầu tư đã bật tăng trở lại nhanh chóng, trong khi nhiều phân khúc vẫn đang tìm giải pháp phục hồi.
Tuy nhiên, sẽ khó có sốt đất hoặc sốt bất động sản trên diện rộng. Bởi hiện tại, Nhà nước đang kiểm soát tốt những yếu tố gây sốt hoặc bong bóng bất động sản như: chính sách tài chính (ngân hàng cho vay và các biện pháp về thuế), kiềm chế lạm phát, lãi suất và giá trị đồng nội tệ ổn định trong mấy năm qua, kênh đầu tư thay thế bất động sản cũng đa dạng hơn,…
“Mặc dù vậy, rủi ro sốt đất vẫn luôn chực chờ nếu có những yếu tố tác động lên thị trường không được kiểm soát tốt”, ông Hoàng nhấn mạnh. Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES 2021 diễn ra mới đây, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) đánh giá, các đợt tạm gọi là “sốt giá” đầu năm 2021 là do các thông tin về thị trường, nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng,… Theo ông Nghĩa, những lý do này đều đã được gợi mở trong năm 2021. Đơn cử như kế hoạch phát triển hạ tầng hiện nay đã được công bố và trong năm 2022 rất khó có những điểm nóng để tạo ra sốt đất.
“Năm 2022 chủ yếu có vấn để nổi cộm là gỡ vướng pháp lý cho các chủ đầu tư. Tín hiệu để tạo ra một cơn sốt ở góc độ đầu tư vào năm sau tôi thấy không rõ ràng. Do đó sẽ khó xảy ra những cơn sốt do đầu cơ thổi giá, bơm giá,…”, ông Nghĩa nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, cơn sốt của thị trường thời gian qua chỉ mang tính cục bộ. Về cơ bản, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Vì vậy, trong 2 quý I – II/2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.
“Với kịch bản nguồn cung sản phẩm còn tiếp tục khan hiếm, lực cầu tốt, sự nóng lên của thị trường BĐS nói chung, phân khúc đất nền trong nửa đầu năm 2022 là có cơ sở. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác, đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng, để hạn chế rủi ro”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, sóng bất động sản không bao giờ yên lặng mà chỉ biến động mạnh hay nhẹ ở mỗi năm. Năm ngoái, biên độ nhấp nhô của sóng tương đối lớn do thông tin quy hoạch, đầu cơ thổi giá,… Tuy nhiên, theo vị này, giai đoạn 2022 – 2023, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm hơn để kiểm soát tốt hơn việc này. Bản thân người dân và các nhà đầu tư cũng đã ý thức được những rủi ro mang lại, thực tế không ít người đã mất tiền trong đợt sốt vừa qua.
Ngoài ra, những thông tin liên quan đến quy hoạch hiện nay cũng được công khai minh bạch hơn. Do đó, khả năng làm giá của giới đầu cơ sẽ ít hơn rất nhiều. “Có thể năm 2022 vẫn còn những đợt sóng nhưng không mạnh như thời gian vừa qua”, ông Lực nhấn mạnh.
Tổng Hợp