Dù thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng, ít thanh khoản, nhưng gần đây, phân khúc đất đấu giá tại vùng ven đô lại ghi nhận sự sôi động. Đa phần các thửa đất đấu giá có giá trúng cao gấp 3-5 lần giá khởi điểm.
Có nhiều kinh nghiệm về đấu giá đất, anh Nguyễn Duy Khánh – một nhà đầu tư ở Hà Nội – cũng ngỡ ngàng với mức giá trúng tại các phiên đấu giá đất vùng ven trung tâm Hà Nội thời gian gần đây.
Theo anh Khánh, nếu năm ngoái trên địa bàn huyện Mê Linh đất đấu giá cũng chỉ dao động 30-40 triệu đồng/m2, một số lô cao lắm cũng chỉ lên tới 45 triệu đồng/m2 thì sang năm nay đạt đỉnh 93 triệu đồng/m2. Mức độ chênh lệch giá tại mỗi phiên đấu giá có khoảng cách khá lớn.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đấu giá đất tăng cao là câu chuyện hiển nhiên, nhưng quan trọng sau khi tăng giá cao thì liệu có người mua hay không. Thực tế, đấu giá xong, ít người lấy bất động sản đó để ở mà đa phần để kinh doanh bán lại.
“Sốt đất” đã khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao vượt giá trị thật của thị trường. Do đó, nhiều người đấu giá xong với giá cao, không bán được thì không có tiền để nộp và bỏ cọc”, ông Đính cho biết.
Cũng theo ông Đính, phần lớn các khu vực trên cả nước đang ở trạng thái bị đẩy giá quá cao, ở một ngưỡng giá có thể xem là bong bóng, thì việc mua đi bán lại đất đai không thực hiện được nữa. Cho nên các nhà đầu tư phải tìm thị trường mới, tìm đến những vùng đất chưa “nóng”, giá vẫn đang ở ngưỡng phù hợp thì người ta “nhảy” vào đó tạo ra thị trường đầu cơ, mua đi bán lại.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đấu giá đất là một việc làm rất công khai minh bạch, để lựa chọn những người có nhu cầu sử dụng đất đai, để họ tiếp cận đất đai một cách minh bạch và công bằng. Tuy nhiên, hiện nay, đấu giá đất đang bị lợi dụng để thao túng thị trường, làm cho thị trường méo mó, làm lũng đoạn thị trường.
Theo thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, sau 5 năm triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn đã đạt được một số kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã có 8 tổ chức đấu giá (Trung tâm dịch vụ đấu giá thuộc Sở Tư pháp và 7 doanh nghiệp đấu giá) và 5 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá. Số lượng đấu giá viên hoạt động tại các tổ chức đấu giá là 17 người.
Sau 5 năm, các tổ chức đấu giá trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thực hiện trên 900 cuộc đấu giá, trong đó đấu giá thành công trên 700 cuộc với tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá gần 5.000 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là hơn 6.000 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là hơn 2.000 tỷ đồng. Các tổ chức đấu giá đã nộp thuế hơn 2 tỷ đồng.
Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã thực hiện 9 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổ chức đấu giá tài sản, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản. Qua đó ban hành 3 quyết định xử phạt đối với 3 tổ chức đấu giá tài sản do có hành vi vi phạm pháp luật, với tổng số tiền xử phạt là 34 triệu đồng.
Tổng Hợp