Sau 20 năm, Bình Dương từ một tỉnh với dân cư rải rác, tập trung vào sản xuất nông nghiệp, nay đã trở thành một trong những địa phương phát triển bậc nhất cả nước với những khu độ thị và được mệnh danh là “thủ phủ” của khu công nghiệp.
Trong số các tỉnh lân cận giáp ranh TP.HCM cũng như toàn vùng phía Nam thì Bình Dương là tỉnh có thị trường bất động sản sôi động và phát triển hàng đầu trong mấy năm gần đây. khi Bình Dương ngày càng xích lại với TP.HCM thông qua hạ tầng giao thông thì nhiều người dân sống tại TP.HCM quan tâm đến việc di chuyển ra vùng ven và các thành phố vệ tinh là điều dễ hiểu. Không những vậy, nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Bình Dương và ngay chính người dân địa phương cũng kích thích thị trường bất động sản căn hộ phát triển sôi động.
Điều này được thể hiện qua sự đa dạng của các loại sản phẩm bất động sản, từ nhà phố/biệt thự cho đến phân khúc căn hộ chung cư. Riêng phân khúc căn hộ chung cư tại Bình Dương đang là “từ khóa” được nhiều người tìm kiếm và đầu tư. Trước đây, nói đến thị trường bất động sản Bình Dương là người ta chỉ nghĩ đến đất nền phân lô.
Ngoài ra, sự sôi động của thị trường Bình Dương còn thể hiện qua nguồn cung mới của phân khúc căn hộ liên tục tăng cao và đi kèm với nó là sức tiêu thụ cũng như mức tăng giá trong thời gian 2 năm qua. Cụ thể, năm 2020, Bình Dương đón nhận con số hơn 15.000 căn hộ, TP.HCM chỉ nhỉnh hơn một chút với khoảng hơn 17.000 căn hộ. Mức giá trung bình của phân khúc căn hộ Bình Dương cũng tăng từ 23-26 triệu đồng/m2 năm 2018, lên đến trên dưới 30 triệu đồng/m2 năm 2020 và hiện nay vẫn giữ ở mức này. Một số dự án có điều kiện, lợi thế đặc biệt có mức giá trên dưới 40 triệu đồng/m2.
Đến nay, có thể nói thị trường bất động sản Bình Dương không chỉ mang tính kết nối – bổ trợ mà còn là cạnh tranh với thị trường TP.HCM. Câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường bất động sản Bình Dương nói chung và thị trường căn hộ tại địa phương này lại sôi động đến vậy? Địa phương này tiếp giáp với TP.HCM và hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện, hơn hẳn một số tỉnh giáp ranh khác. Đồng thời, kết nối với toàn vùng Đông Nam Bộ thông qua tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 đang được đầu tư triển khai và nghiên cứu cao tốc trong thời gian sắp tới.
Một lý do khác chính là vị thế “thủ phủ” của các khu công nghiệp khi Bình Dương có đến 48 khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp phía Nam. Mức độ phát triển kinh tế Bình Dương chỉ đứng sau TP.HCM cả về tốc độ và thu nhập bình quân đầu người kéo theo nhu cầu về nhà ở, đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2019-2020, thị trường bất động sản TP.HCM có sự sụt giảm về nguồn cung nhưng lại tăng về giá, cơ chế chính sách khó khăn… khiến các doanh nghiệp cần tìm đến một nơi có mức giá còn mềm, hấp dẫn hơn và nhiều tiềm năng phát triển. Nắm bắt nhu cầu này, các doanh nghiệp địa ốc có tiếng tại TP.HCM cũng đã “đổ bộ” vào Bình Dương bằng những dự án được đầu tư bài bản, quy mô.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc Bình Dương duy trì được đà phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân trong nhiều năm liền, ngay cả trong bối cảnh đại dịch, đã phần nào chứng minh cho nhà đầu tư thấy về tiềm lực của tỉnh. Những yếu tố này đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản tại Bình Dương khi nhu cầu ngày một tăng, song song với tiềm lực tài chính của người dân.
Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Với những chính sách cởi mở và tập trung phát triển bền vững, địa phương này đã và đang gặt hái được nhiều thành công nhất định.
Thống kê cho thấy, trong năm 2020, Bình Dương đã giữ vững đà tăng trưởng trước những thách thức từ dịch COVID-19 và biến động kinh tế toàn cầu. Tỉnh đã đạt mức tăng trưởng GRDP là 6,91%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,5% so với cùng kỳ, tổng số vốn đầu tư trong nước lên đến 67.000 tỷ đồng và thu hút được 967,5 triệu USD vốn FDI.
Nhật Hạ