Chậm trễ 10 năm, Phó Thủ tướng yêu cầu lập phương án phân chia các dự án thành phần. Phấn đấu hoàn thành 2 tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025.
Quy hoạch đường vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 89,3 km, trong đó 73 km sẽ làm mới với tổng vốn khoảng 55.805 tỷ đồng. Tuyến đường này đi qua địa phận TP.HCM cùng các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Còn vành đai 4 dài gần 200 km đi qua Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 99.000 tỷ đồng.
Đường vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TP.HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TP.HCM.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM. Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 TPHCM, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề xuất đường vành đai 3, 4 chia ra nhiều dự án, mỗi dự án dưới 10.000 tỷ đồng, nhiều địa phương thực hiện thì dự án sẽ hoàn thành nhanh hơn. Các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn giải phóng mặt bằng; phần vốn tham gia của nhà nước trong các dự án PPP sử dụng kết hợp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến cho phù hợp để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng nếu có.
Đồng thời, đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp…, thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phương án thu phí đường cao tốc cần thực hiện theo hình thức không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.
Nhật Hạ