PGBank thực sự kém duyên đến mức nào khi nhà băng này từng được nhiều lần “dặm ngỏ” về việc sáp nhập vào ngân hàng khác, từ VietinBank, MBBank, HDBank rồi MSB.
Nhiều lần “dạm ngỏ” vẫn chưa thành
PGBank và HDBank xây dựng kế hoạch về một nhà vào năm 2018. Kế hoạch này đã được cổ đông ngân hàng hai bên thống nhất và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Tuy nhiên vì lý do nào đó, thương vụ này có nguy cơ không thành như thương vụ PGBank từng nhận M&A với VietinBank.
Tại thời điểm 26/10/2020, PG Bank có 10.592 cổ đông, gồm 53 tổ chức (tỷ lệ nắm giữ 67,37%) và 10.539 cá nhân (32,59%). Mặc dù đang trong quá trình tái cơ cấu, nhưng tháng cuối cùng của năm 2020, PG Bank đã hoàn thiện các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán và đưa cổ phiếu PGB lên giao dịch trên UPCoM vào ngày 24/12/2020.
Trong năm 2020, PG Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 212 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2019, trong đó, riêng quý IV đóng góp gần 90 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 19 tỷ đồng).
Vào lúc này nói vụ M&A của PGBank “xôi hỏng bỏng không” ngay có lẽ là hơi quá. Nhưng cũng không hẳn sớm, bởi tài liệu dự kiến trình ĐHCĐ tới đây của PGBank đã nêu rất rõ: “Tuy nhiên cho đến nay, giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PGBank. HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 xem xét thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập PGBank vào HDBank”.
Như vậy, đã có một câu trả lời nhất định cho nỗ lực giữa 2 bên trong thương vụ này. Và chuyện “ai về nhà nấy” thực tế cũng đã được thị trường đoán định từ trước đó khi, vào tháng 6/2020 Petrolimex, cổ đông chi phối của PGBank, đã từng có ý kiến mong muốn vụ sáp nhập sớm hoàn tất nhanh, nếu không sẽ thoái vốn. Đến gần cuối năm 2020, một công ty chứng khoán cũng nhận định thương vụ này sẽ bất thành.
Trước đó, sau khi thương vụ sáp nhập PGBank và HDBank liên tục bị kéo dài, trên thị trường tài chính đã xuất hiện tin đồn Ngân hàng Xăng dầu sẽ sáp nhập vào MSB. Thông tin này được củng cố khi ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc tại PGBank.
Trước ông Hùng, ông Hoàng Xuân Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc MSB; Tổng giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác tài sản MSB cũng chuyển sang làm phó tổng giám đốc đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ tại PGBank.
Ngoài mối liên quan về nhân sự nói trên, MSB và PGBank còn có quan hệ sở hữu vốn trước đó. Báo cáo thường niên năm 2018 của MSB cho biết nhà băng này nắm giữ 9,98% vốn điều lệ tại PGBank và là một trong những cổ đông tổ chức lớn nhất. Tỷ lệ này sau đó đã được giảm xuống lần lượt còn 4,99% vào cuối năm 2019 và đến cuối năm 2020, MSB đã thoái sạch vốn khỏi PGBank. Tuy nhiên, phía đối tác nhận mua gần 10% vốn ngân hàng vẫn chưa được MSB tiết lộ.
Về chuyện làm ăn
PG Bank đã có một năm khá thành công với các chỉ số tăng trưởng tổng tài sản, tổng dư nợ cho vay khách hàng, tổng dư nợ trên thị trường 2 và đầu tư, lợi nhuận trước thuế đều đạt hơn và vượt so với kế hoạch. Đáng chú ý, nợ quá hạn/ tổng dư nợ của PGBank là 3,24%, thấp hơn gần 50% so với kế hoạch. Nợ xấu/ tổng dư nợ là 2,44% so với chỉ tiêu 2,99%.
Trong kế hoạch 2021, PGBank nâng chỉ tiêu lợi nhuận từ 212 của năm 2020 lên 310 tỷ đồng, nợ quá hạn 3,30% và nợ xấu giữ mức 2,50%. Các chỉ tiêu này có thể là thách thức của chính PGBank khi ngân hàng vẫn còn nợ trái phiếu VAMC. Hơn thế, PGBank tạm thời được khoanh nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và tiềm ẩn phát sinh nợ xấu tương lai trong khi, khoản dự phòng rủi ro tín dụng của năm qua được trích lập còn thấp.
Có thể nói, trong một thị trường khốc liệt và các ngân hàng lớn đều đã “chia xẻ” thị phần khá sâu khu vực PGBank có lợi thế trong mảng xăng dầu, PGBank rõ ràng cần một định hướng dài hơn để nâng sức khỏe tài chính và năng lực cạnh tranh, nếu muốn tồn tại một mình.
Trong năm 2020, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi hơn 906 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với năm trước và chiếm 79% trong tổng thu nhập hoạt động. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng gấp 3 lần, đạt 21 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mảng hoạt động dịch vụ ghi nhận giảm 7,6%, xuống còn 30 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối và các hoạt động kinh doanh khác cũng đi xuống với lợi nhuận giảm lần lượt 37,7% và 33,2%. Tổng thu nhập hoạt động của PGBank trong năm 2020 đạt 1.149 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước. Trong khi chi phí hoạt động tăng 16,8%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 22,2% so với năm trước, xuống 494 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ việc giảm mạnh chi phí dự phòng tới 48,3% so với năm trước, nên kết thúc năm 2020, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 212 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành vượt 11% so kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2020.
Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, tổng tài sản PGBank đạt mức 36.153 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2019. Tiền gửi khách hàng tăng 13,2% lên 28.738 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,3% đạt 25.675 tỷ đồng. Về chất lượng cho vay, cuối năm 2020, ngân hàng đang có tổng cộng 626 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, giảm 16,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng theo đó đã giảm từ 3,15% hồi đầu năm xuống 2,44% khi kết thúc năm 2020.
Kinh doanh thuận lợi và giá cổ phiếu ngân hàng cao ủng hộ xu hướng “tự bơi” của ngân hàng yếu, thay vì phải sáp nhập, nhưng tự bơi cũng cần có sức khỏe.