Mặc dù vẫn có những ngân hàng báo lãi gấp đôi gấp ba cùng kì năm trước trong quí I nhưng sự sụt giảm mạnh lợi nhuận của những “ông lớn” ngân hàng đã kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quí I đã có thay đổi lớn trong quí I/2020 khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch COVID-19. Mặc dù vẫn xuất hiện những ngân hàng báo lãi gấp đôi thậm chí gấp ba so với cùng kì năm trước nhưng sự chậm lại của những đầu tàu lợi nhuận đã kéo tụt lợi nhuận toàn ngành.
Khảo sát tại 24 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí I có thể nhận thấy tổng lợi nhuận sau thuế quí I chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 5,8% so với cùng kì năm trước, thấp hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng của năm 2019 (33%).
Đáng chú ý, cả ba “ông lớn” ngân hàng có vốn Nhà nước lớn gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ghi nhận lợi nhuận giảm. Trong đó, lợi nhuận BIDV giảm mạnh nhất gần 29% so với cùng kì năm trước, lợi nhuận Vietcombank giảm 11,2% và VietinBank giảm 5,3%.
Tăng trưởng của các ngân hàng Top đầu lợi nhuận
Những con số kém khả quan đến từ các ngân hàng thuộc nhóm Big4 cho thấy dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới ngành ngân hàng, những tác động này có thể sẽ còn kéo dài ngay cả khi dịch bệnh kết thúc. Tăng mạnh trích lập dự phòng khi chất lượng tài sản giảm là một trong những tình trạng chung của nhóm ba “ông lớn”.
Vietcombank, ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận của ngành, đã mạnh tay trích lập dự phòng khiến chi phí dự phòng tăng 43% trong kì và là nguyên nhân chính kéo giảm lợi nhuận. Cho vay khách hàng của Vietcombank chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,7% thấp hơn nhiều so với cùng kì năm trước (6,2%), trong khi tổng tài sản của ngân hàng giảm tới 6,4%.
Chi phí dự phòng tăng cũng tác động kéo tăng trưởng lợi nhuận của BIDV và VietinBank xuống mức âm. Tổng tài sản và cho vay khách hàng của cả hai ngân hàng này cũng đều giảm so với cuối năm trước.
Trong một phát biểu tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận riêng của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
Các ngân hàng thương mại phải cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thông qua việc giảm lãi suất, phí, mở rộng gói chính sách tiền tệ từ 185.000 tỉ đồng lên 300.000 tỉ đồng.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank, cho biết ngân hàng đã xác định doanh thu năm nay sẽ giảm 5% tương đương khoảng 6.000 tỉ đồng, lợi nhuận giảm khoảng 20% và trích lập dự phòng 16.000 tỉ.
Còn theo Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ, việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí khiến lợi nhuận ngân hàng dự kiến giảm từ 3.000 – 4.000 tỉ đồng so với kế hoạch đã đề ra lúc đầu.
Những điểm sáng bất ngờ
Trong bối cảnh đứng trước nhiều thách thức do ảnh hưởng từ dịch bệnh, con số tăng trưởng lợi nhuận cao tại một nhóm ngân hàng cổ phần đang tạo nên điểm sáng trong bức tranh toàn ngành.
Có tới 5/24 ngân hàng khảo sát cho kết quả lợi nhuận sau thuế tăng lên gấp đôi, gấp ba so với cùng kì năm trước với những gương mặt như: VietABank, VietBank, VietCapitalBank, OCB, SeABank.
Mức tăng trưởng mạnh nhất đến từ VietABank với 250% mang về 81 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Tăng trưởng mạnh thu nhập lãi thuần, tăng thu đột biến từ kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán là nguyên nhân chính giúp thúc đẩy lợi nhuận của VietABank trong kì.
Với con số lợi nhuận ròng quí I/2019 không quá cao chỉ đạt 23 tỉ đồng nên dù tăng trưởng gấp bằng lần nhưng con số tuyệt đối lợi nhuận của VietABank cũng vẫn nằm trong nhóm những ngân hàng có lợi nhuận thấp.
Tuy nhiên, khi nhìn vào OCB có thể nhận thấy ngân hàng đã có một bước đột phá, với qui mô tài sản chỉ nhỉnh hơn một chút so với Bac A Bank, lợi nhuận của ngân hàng lại gấp tới 6 lần. Với con số lợi nhuận này OCB đã vượt qua TPBank và lọt TOP 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất trong quí I, cao hơn cả VIB (ngân hàng có qui mô tài sản gần gấp đôi OCB).
Tăng trưởng lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng tăng gấp đôi so với cùng kì năm trước với đột biến từ mảng đầu tư chứng khoán (gấp 3,4 lần). Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng tới 134% nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn gấp đôi so với năm trước.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Ngân hàng Bản Việt nhưng với qui mô nhỏ hơn. Thu nhập từ lãi thuần của nhà băng tăng mạnh gần 64%, lãi thuần từ đầu tư chứng khoán tăng tới hơn 700%.
Tăng trưởng mạnh từ hoạt động đầu tư chứng khoán cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng chính giúp lợi nhuận của ngân hàng VietBank, SeABank đạt mức gấp đôi cùng kì năm trước.
Những điểm sáng về lợi nhuận ngân hàng trong quí I, giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, cho thấy rằng những ngân hàng này có đà tăng trưởng tốt. Kết quả lạc quan này là một tiền đề tốt để giúp họ có nhiều dư địa hơn trong việc hỗ trợ khách hàng đồng thời chống chọi được với sự ảnh hưởng khắc nghiệt từ đại dịch COVID-19, sự kiện đã khiến nhiều ngành kinh tế lao đao, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán VnDirect mới đây, dịch bệnh COVID-19 sẽ làm giảm tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng do lợi suất tài sản giảm nhiều hơn chi phí vốn. Do đó, nhiều khả năng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ sụt giảm trong thời gian tới.
Diệp Bình
Theo Kinh tế & Tiêu dùng