Quy mô trái phiếu nắm giữ chỉ chiếm 2,47% tổng tài sản sinh lời của ngân hàng và ít có khả năng lây truyền rủi ro do chất lượng trái phiếu được ngân hàng thẩm định kỹ, trích lập dự phòng đầy đủ. Ôm 284.000 tỷ đồng TPDN, một số ngân hàng có nguy cơ lỗ với danh mục trái phiếu…
Báo cáo của FiinGroup cho thấy, các ngân hàng hiện nay giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp (phi ngân hàng) quy mô 284 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 2,47% trên tổng tài sản sinh lời tại 30/6/2022.
Trong nửa đầu năm, nhiều ngân hàng tăng cường phân bổ thêm tỷ trọng vào chứng khoán đầu tư để tối ưu hóa hiệu suất sử dụng vốn khi mà tốc độ huy động vốn còn nhanh hơn tăng trưởng tín dụng. Trước các biến động của thị trường TPDN, xu hướng này sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều nhằm giảm bớt rủi ro, ngoài ra cũng để tạo dư địa cho vay ở các tháng cuối năm khi “room” tín dụng cạn kiệt.
Trong bối cảnh NHNN tiếp tục nâng lãi suất điều hành và nhiều thông tin bất lợi trên thị trường, lợi suất TPCP và TPDN đã đồng loạt quay đầu giảm giá trong thời gian qua do gia tăng cả lãi suất tham chiếu lẫn phần bù rủi ro. Trước tình hình này, FiinGroup dự báo danh mục trái phiếu của vài ngân hàng tiếp tục ghi nhận lỗ chưa thực hiện trong quý tới.
Theo thống kê của FiinGroup, Top 5 ngân hàng có lượng tpdn nắm giữ lớn nhất hiện nay là: MB, Techcombank, VBank, TPBank và SHB.
Tuy nhiên, rủi ro tín dụng trong hệ thống sẽ có sự phân hóa rõ rệt, ít ảnh hưởng tới các ngân hàng có quy mô nắm giữ TPDN nhỏ so với tổng tài sản có sinh lãi, chất lượng TPDN đa dạng và được thẩm định rủi ro kỹ lưỡng. Đây cũng không phải một vấn đề lớn nếu ngân hàng có trích lập dự phòng giảm giá đầy đủ.
SSI Research vừa cập nhật báo cáo triển vọng ngành ngân hàng. Theo phân tích của nhóm chuyên gia từ SSI, thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn(và tái cơ cấu nợ) cho hoạt động kinh doanh, làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ. Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc (và thanh toán lãi).
Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện đang lưu hành là khoảng 945 nghìn tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, con số này vẫn không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dung liên quan (đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo).
Nhiều chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho tăng lên, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.
Lãi suất cho vay mua nhà đã tăng lên (phổ biến ở mức 13-15%/năm) cũng đã gây ra sự do dự của những người mua nhà tiềm năng mặc dù một số chủ đầu tư bất động sản đã giảm giá 30-40% cho những người mua nhà có sẵn tiền mặt (với tỷ lệ thanh toán trước là 90%).
Chẳng hạn tại TP.HCM, số lượng căn hộ được giao dịch trong quý 3/2022 chỉ đạt 900 căn, giảm 89% so với quý 2/2022. Tỷ lệ hấp thụ đạt 15-35% đối với các Dự án mới, mức thấp nhất kể từ năm 2019. Tình hình khả quan hơn tại thị trường Hà Nội, nơi có tỷ lệ hấp thụ đạt 50% nhưng lượng hàng tồn kho căn hộ trên 4 tỷ đồng vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Đáng nói, theo quan sát của SSI Research, phần lớn phần các giao dịch mua nhà vẫn với mục đích đầu cơ, mua nhà do lịch trả nợ hấp dẫn. Do đó, khi hết thời gian ân hạn và lãi suất cho vay hết ưu đãi, nhiều khả năng người sở hữu bất động sản sẽ bán lại bất động sản đó để trả nợ vay là tương đối cao. Do đó, SSI dự báo làn sóng giảm giá bán bất động sản sẽ có thể còn tiếp tục đến cuối năm, với mức giảm có thể từ 10-20% hoặc thậm chí cao hơn.
Đối với những người mua đầu cơ chưa thể bán lại bất động sản để tất toán khoản vay, tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay mua nhà có thể tăng trong thời gian tới. Tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng được SSI tính toán ở mức khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.
“Chúng tôi duy trì quan điểm rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ/trích lập dự phòng cho các khoản vay/trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn”, báo cáo nhận định.
SSI Research cho rằng, rủi ro liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và xu hướng lãi suất tăng cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế chưa được phản ảnh hoàn toàn vào định giá cổ phiếu ngân hàng.
Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 được SSI Research điều chỉnh thành 231 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ, giảm từ mức tăng 17% so với cùng kỳ trong báo cáo trước đây của tổ chức này). Các ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất bao gồm ba ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và vài ngân hàng TMCP tư nhân.
Do áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023, SSI Research cho rằng NHNN có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới. Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể vẫn sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ. Hoạt động cho vay mua nhà cũng sẽ giảm tốc do nguồn cung nhà ở mới hạn chế và lãi suất cho vay mua nhà không còn ở mức hấp dẫn. Trong khi đó, xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc từ quý 4 năm 2022. Không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải có thêm một đợt tăng lãi suất nữa nhằm duy trì môi trường tỷ giá ổn định.
Theo đó, lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng năm tới. Nợ xấu cũng sẽ tăng lên. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ giảm từ 156% vào năm 2022 xuống còn 126% vào cuối 2023 và tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên 1,76% (so với 1,46% năm 2022 và 1,26% năm 2021).
Mặc dù vậy, lãi suất tăng sẽ giúp ngành ngân hàng tăng trưởng huy động nhanh hơn (13,8%), giúp thanh khoản hệ thống trở nên lành mạnh hơn.
Từng là phao cứu sinh về vốn, trái phiếu giờ đây trở thành bom nổ chậm với nhiều doanh nghiệp. Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024 chỉ tính riêng lĩnh vực bất động sản đã lên tới 231.000 tỷ đồng, chưa kể trái phiếu doanh nghiệp phải mua trước hạn. Điều này cho thấy, sức ép trả nợ của doanh nghiệp vô cùng lớn.
Bom nợ trái phiếu đã dẫn truyền tới thị trường chứng khoán khi khủng hoảng niềm tin lan rộng. So với cuối năm ngoái, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã giảm tới 50%, tương đương khoảng 160 tỷ USD đã bị bốc hơi.
Trong khi đó, trước áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá và thanh khoản, tín dụng ngân hàng cũng bị siết chặt. Nếu như 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng bình quân 1,56%/tháng, thì 4 tháng gần đây, tín dụng chỉ tăng trung bình 0,5%/tháng. Thậm chí, những tháng gần đây, có ngân hàng còn tăng trưởng tín dụng âm.
Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng năm nay không hề thấp, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán sụt giảm đã gây áp lực lớn cho tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, cú sốc thanh khoản cục bộ tháng 10/2022 sau sự cố Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB buộc Ngân hàng Nhà nước càng thận trọng hơn với room tín dụng. Sự thận trọng này là dễ hiểu bởi tỷ lệ cho vay/huy động của nhiều ngân hàng đã ở mức báo động, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ.
Dù vậy, cả ba trụ cột của thị trường vốn – trái phiếu, tín dụng, chứng khoán – bị tắc nghẽn đột ngột cùng một thời điểm, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra tràn lan, dòng tiền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp âm nặng, dù báo cáo tài chính vẫn ghi nhận có lãi.
“Thống kê của chúng tôi cho thấy, lượng vốn doanh nghiệp chiếm dụng lẫn nhau lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Riêng 6 tập đoàn lớn, số vốn chiếm dụng lẫn nhau lên tới 200.000 tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn vốn chiếm dụng này có nguồn gốc từ ngân hàng. Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Theo các chuyên gia, câu chuyện của Việt Nam hiện nay giống với tình trạng diễn ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc: khủng hoảng khan hiếm thanh khoản bắt nguồn từ thị trường trái phiếu và bất động sản, sau đó lan sang toàn bộ nền kinh tế. Do đó, tháo gỡ ngòi nổ thị trường trái phiếu chính là tâm điểm để giải cứu dòng tiền hiện nay.
“Nhiều người cho rằng, Nhà nước hãy để mặc thị trường trái phiếu, không cần cứu bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ là bất động sản, mà là thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Tổng Hợp