Ở các thị trường chứng khoán phát triển, việc chia sẻ thông tin nội gián, dẫn đến hoạt động giao dịch trục lợi sẽ bị xử lý hình sự. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, việc thông tin cho các nhà đầu tư chưa bình đẳng. Một số nhóm có quan hệ nội bộ có thể được tiếp cận thông tin từ doanh nghiệp trước…
Tại buổi tọa đàm bàn về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững diễn ra ở TPHCM sáng nay (25/5), bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital nêu quan điểm các cơ quan quản lý cần có quy định rõ ràng hơn về thông tin nội gián và trọng yếu. Bà cũng đề nghị không cho phép người nội bộ của doanh nghiệp bình luận về giá hay xu hướng giá cổ phiếu của công ty. “Ở nước ngoài, lãnh đạo doanh nghiệp không được nói cổ phiếu của chúng tôi đang rẻ hay là giá sẽ nhân 2 nhân 3 lần. Cách nói như vậy có hàm ý định hướng, chia sẻ thông tin trọng yếu nào đó”, bà góp ý.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Maybank Investment Bank Phan Dũng Khánh cũng đồng quan điểm trong một thị trường nơi cá nhân chiếm tỷ lệ giao dịch áp đảo, tâm lý nhà đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố đám đông. Vì yếu tố đám đông nên khi thị trường đi lên, chỉ số “tăng nóng” nhưng khi giảm cũng giảm rất mạnh. Ông Khánh cũng chia sẻ năm ngoái khi thị trường tốt nhiều người đăng ký học đầu tư nhưng lúc này thị trường đi xuống thì số lượng rất ít.
Theo ông, thời điểm này chính là lúc để nhà đầu tư cá nhân nhận ra quản trị rủi ro quan trọng như thế nào. Nhà đầu tư cần trau dồi kiến thức để quản trị rủi ro, quản lý danh mục đầu tư để có thể tồn tại trong thị trường dù xu hướng chung là xấu hay tốt. Ông cũng lưu ý một trong những cách phòng vệ là giao dịch phái sinh nhưng nhiều nhà đầu tư lại đang tìm đến thị trường này như một cách để mong kiếm được tiền.
Theo bà Thu, thị trường Việt Nam có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân áp đảo, chiếm trên 90% lượng giao dịch. Trong khi đó, ở những thị trường phát triển trên toàn cầu, những nhà đầu tư tổ chức sẽ chiếm đa số. Với các định chế, tổ chức chiếm tỷ trọng giao dịch lớn, các thị trường phát triển lành mạnh hơn thì ít xảy ra hiện tượng đầu cơ, bơm thổi giá hơn. Bà Thu đưa ra lời khuyên nếu nhà đầu tư cá nhân không có nhiều thời gian và kiến thức chuyên môn tài chính có thể lựa chọn đầu tư thông qua các quỹ, định chế để hạn chế rủi ro, đạt lợi nhuận bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nêu ý kiến cần có sự giám sát, quản lý chặt chẽ hơn nữa đội ngũ tư vấn, môi giới của các công ty chứng khoán. Theo ông, nhiều nhà đầu tư cá nhân non kinh nghiệm phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên môi giới trong khi không phải người nào làm nghề cũng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Hậu quả là nhà đầu tư bị lỗ lớn khi mua bán theo tư vấn của các môi giới không chuyên.
Một điểm hạn chế khác, theo ông Hải, là quy định mua cổ phiếu quỹ hiện nay khá rắc rối. Vì vậy, doanh nghiệp thấy giá cổ phiếu đi xuống muốn mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ cũng khó làm được. Trong khi đó, theo thông lệ tại các thị trường nước ngoài, việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ rất dễ dàng. Ông cho rằng Việt Nam nên làm tương tự.
Còn TS. Đinh Thế Hiển cho rằng các quy định trên thị trường chứng khoán hiện nay đã có, cơ chế quản lý giám sát cũng đầy đủ, chỉ có con người là làm sai, đặc biệt không chỉ có hành vi làm sai mang tính cá nhân mà của cả một nhóm người có tính tổ chức. Do đó, cần có giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Đại diện VinaCapital cũng kiến nghị các công ty chứng khoán cần tách bạch hoàn toàn hoạt động tự doanh, mua bán cổ phiếu với phân tích, tư vấn, môi giới, tránh ảnh hưởng đến lợi ích nhà đầu tư cá nhân. Điều này ở các thị trường phát triển đã được quy định rõ ràng trong khi Việt Nam thì chưa.
Tổng Hợp