Đây là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu về động thái nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho một số ngân hàng ngay trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua.
Ngày 02/07/2020, phát biểu tại Hội nghị với các địa phương về đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt NHTM, kể cả NHTM có vốn Nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân, để ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Còn trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCSB) hé lộ, NHNN đã nới room tăng tín dụng lên mức 18-22% cho một số ngân hàng bao gồm: Techcombank, VPBank, VIB, TPBank, HDBank…
VCSB kỳ vọng tín dụng toàn hệ thống tăng dưới 10% năm 2020 do nhu cầu tín dụng suy giảm, các ngân hàng quy mô lớn thận trọng trong việc cho vay mới khiến cho nhu cầu tìm đến các ngân hàng cổ phần có nguồn vốn tốt thể hiện qua chỉ số CAR.
Tín dụng và huy động tăng trưởng với tốc độ chậm khi các ngân hàng thận trọng đối với cả cho vay và huy động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các hoạt động cho vay đang được đẩy mạnh trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và mạnh mẽ nhất ở nhóm ngân hàng cổ phần.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng việc nới room tín dụng về cơ bản là cần thiết, vì NHNN đang muốn kích cầu tín dụng. Nhưng tín dụng từ đầu năm đến nay tăng tương đối thấp, khoảng 3.26% theo báo cáo tại cuộc họp Chính phủ. Những ngân hàng nào có tiềm năng, có thể tăng trưởng tín dụng thì NHNN cho phép tăng là phù hợp. Khi những ngân hàng có thể đẩy tín dụng ra, sẽ góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động tín dụng, với điều kiện ngân hàng đó phải kiểm soát được rủi ro nợ xấu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính nhận định rằng tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn nhiều so với năm trước. Trong tình trạng này, dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng muốn nới room tín dụng để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay. Vì mục tiêu năm nay GDP có thể tăng trưởng mở mức 3-4%.
Nhưng nếu muốn GDP tăng 4%, thì tín dụng phải tăng trưởng ở mức 2.5 lần trên tăng trưởng GDP. Do đó, tín dụng phải tăng trưởng khoảng 10% để đạt được GDP 4%, còn nếu GDP tăng 3% thì tín dụng phải tăng ở mức 8%. Tức là, năm nay tăng trưởng tín dụng phải ở mức 8-10%. Nhưng từ đầu năm đến nay, chỉ tăng được 2.98%, do vậy từ nay đến cuối năm phải phấn đấu tăng trưởng tín dụng mạnh hơn nữa.
“Việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng mang tính khuyến khích nhiều hơn sự cần thiết thực tế, các ngân hàng có thể đã đủ room tín dụng rồi”, ông Hiếu nhận định.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, một số ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh vì chiến lược của họ trong vấn đề giành lấy thị trường, họ là những ngân hàng nhỏ vẫn còn dư địa, nên vẫn muốn tăng trưởng tín dụng. Việc nới room chủ yếu đáp ứng cho các ngân hàng nhỏ.
Tổng tăng trưởng tín dụng của 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 3.26%, room vẫn còn nhưng không đồng đều, ngân hàng lớn còn dư địa nhưng chưa cho vay, ngân hàng nhỏ thì hết room. Nhìn có vẻ mâu thuẫn nhưng lại không. Ngân hàng lớn dư room nhưng lại thận trọng trong việc cho vay, ngân hàng nhỏ muốn cho vay lại hết room. Việc nới room này giúp cho ngân hàng nhỏ thêm tăng trưởng tín dụng, nhưng tổng số tiền tăng thêm không đáng kể. Và tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống vẫn còn dư địa để tăng trưởng so với chỉ tiêu của NHNN.
* Ngân hàng nào đã được NHNN nới room tín dụng?
* NHNN đã nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng
Cát Lam