Các chuyên gia SSI nhận định tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức thấp có thể khiến chi phí dự phòng của MSB cao hơn trong tương lai. Trong 3 tháng đầu năm 2021, MSB đã mạnh tay trích lập chi phí dự phòng rủi ro gấp 2,6 lần cùng kỳ (gần 204 tỷ đồng).
Mới đây, theo thông tin từ họp báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 3 tổ chức tín dụng gồm SeaBank, MSB và SHB có cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vay với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN.
Tình hình nợ xấu tính tại MSB không có nhiều thay đổi so với đầu năm, tổng nợ xấu vẫn duy trì gần 383 tỷ đồng, do đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay kiểm soát ở mức 0,43%. Tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mới hình thành của ngân hàng đều giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, do MSB không xóa nợ xấu trong quý, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu không đổi ở mức 54,7% và đây là mức thấp thứ hai trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu.
Tuy nợ nhóm 2 chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn bất ngờ nhảy vọt cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng. Tính đến 31/3/2021 nợ nhóm 2 tại MSB (nợ cần chú ý – với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng 29% so với đầu năm, lên mức gần 1.262 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng dư nợ, cao hơn mức bình quân toàn hệ thống (1,13%). MSB hiện có 473 tỷ đồng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 (chiếm 0,52% tổng dư nợ cho vay), trong đó khách hàng SME chiếm 77% và khách hàng doanh nghiệp lớn chiếm 18%. Đáng chú ý, MSB đã phân loại 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sang khoản lỗ trong quý 1/2021. Nếu ghi nhận khoản này, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên 2,31%. Theo MSB, toàn bộ khoản này đã được trích lập dự phòng đầy đủ trong tháng 4 theo quy định hiện hành. Một khoản mục khác là phải thu quá hạn trị giá 1.710 tỷ đồng cũng tiềm ẩn rủi ro tín dụng tại MSB, ngân hàng đã trích lập dự phòng 586 tỷ đồng (tương đương 34,2% tổng nợ quá hạn).
Trong 5 tháng đầu năm, tổng thu nhập và lợi nhuận trước thuế ước tính của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đạt lần lượt là 3.700 tỷ đồng và 2.200 tỷ đồng, bao gồm 500 tỷ đồng phí bancassurance từ Prudential. MSB đặt kế hoạch đạt 350 tỷ đồng thu nhập bancassurance trong năm nay. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng đã chạm mức trần được cấp phép đầu năm là 10,5% so với đầu năm và MSB đã xin NHNN tăng room tín dụng và kỳ vọng được phê duyệt trong tháng 6/2021, có thể trong khoảng 20-25%. Báo cáo của SSI cho thấy tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mới hình thành của ngân hàng đều giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, do MSB không xóa nợ xấu trong quý, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu không đổi ở mức 54,7% và đây là mức thấp thứ hai trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu.
Tại Đại hội đồng cổ đông của MSB năm 2020 lãnh đạo nhà băng này thông tin đã tìm được nhà đầu tư là Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) với giá 42 triệu USD. Việc mua bán đã được ký kết từ cuối năm 2019. Ngay sau đó, FCCOM đã nộp hồ sơ trình NHNN chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định. Tuy nhiên, thương vụ này đã bị hủy bỏ. FCCOM tiền thân là Công ty Tài chính dệt may, được MSB mua lại năm 2015 và chủ trương bán cho nước ngoài từ năm 2018.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của FCCOM đạt hơn 621 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 606,8 tỷ đồng, hầu như không tăng so với năm trước. Dư nợ tín dụng của công ty cũng chỉ đạt 322 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng so với năm 2019. Tuy nhiên, nợ xấu của FCCOM tăng vọt lên 28,4 tỷ đồng, cao hơn 10,1 tỷ đồng năm 2019 và chiếm tới 8,83% tổng dư nợ. Năm 2019, nợ xấu của công ty này chỉ 3,15%. Nợ xấu tăng cao khiến công ty phải nâng trích lập dự phòng lên 36.7 tỷ đồng. Kết thúc năm 2020, lợi nhuận của FCCOM chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2019.
Khoản trích lập dự phòng có thể tăng trong quý 2/2021, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ LLR tương đối thấp. Theo quan điểm của Yuanta, mặc dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu trong vòng 3 năm, nhưng việc tăng dự phòng ở thời điểm hiện tại để hạn chế tác động khi nợ xấu gia tăng trong tương lai là một chính sách thận trọng cần thiết.
Tĩnh Kiên