Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong quý đầu năm đưa tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%, thậm chí tại một số ngân hàng tỷ lệ này ở mức hai chữ số.
Theo số liệu thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính,số dư nợ xấu tại thời điểm 31/3/2022 tăng 24% so với hồi đầu năm, lên trên 170.134 tỷ đồng. Và gần 90% trong số đó ghi nhận nợ xấu tăng.
Số dư nợ xấu tăng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng vượt ngưỡng 3%, thậm chí ghi nhận ở mức hai chữ số như NCB, VPBank, Vietbank, ABBank, VIB.
VPBank là ngân hàng có số dư nợ nhóm 3 đến nhóm 5 cao nhất quý I/2023 với 28.939 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu tiếp tục đến từ công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ tính đến 31/3 chỉ hơn 13.500 tỷ đồng.
Đứng sau VPBank trong bảng xếp hạng là BIDV với quy mô nợ xấu ở mức 24.730 tỷ đồng, tăng 40% so với cuối năm ngoái. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 127%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của BIDV vẫn ở mức dưới 2% (1,59%).
Một số ngân hàng có số dư nợ xấu tăng nhanh trong quý I như TPBank (tăng 84%), MB (tăng 68%); OCB (tăng 51%); BIDV (tăng 40%);…chủ yếu donợ nhóm 3 tăng cao.
Chia sẻ về vấn đề nợ xấu tăng tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, các lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ nền kinh tế khi chịu nhiều sức ép từ bên ngoài khiến sức chống chịu của doanh nghiệp yếu đi.
Nền kinh tế chung có xu hướng suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của khách hàng, nhất là những tác động tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xu hướng lãi suất tăng, và tín dụng bị thắt chặt khiến một số khoản nợ chuyển nhóm.
Bên cạnh đó, việc Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho vay khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 hết hiệu lực từ 30/6/2022 cũng làm cho áp lực trả nợ đè nặng lên khách hàng.
Giới phân tích nhận định rủi ro nợ xấu ngành ngân hàng trong năm nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu, sự trầm lắng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
“Chất lượng tín dụng đang đi xuống tại các ngân hàng, nợ xấu đã dần phản ánh vào báo cáo tài chính sau khi Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6. Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã tăng lên 1,9% vào cuối 2022, nợ xấu gộp 4,5% (gồm cả nợ đã bán cho VAMC và tái cơ cấu)”, theo Chứng khoán Mirea Asset.
Nợ xấu tại VPBank, chủ yếu đến từ mảng tài chính tiêu dùng. Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết năm 2022 là một năm rất khó khăn với các công ty tài chính tiêu dùng và điều đó sẽ còn tiếp tục trong năm 2023.
Mảng tín dụng tiêu dùng là mảng có đặc thù rủi ro cao, lợi nhuận cao và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các biến động của nền kinh tế. Tuy vậy, ban lãnh đạo VPBank vẫn đánh giá đâylà một thị trường hết sức tiềm năng. Ngân hàng đã thông qua kế hoạch tái cấu trúc FE Credit và sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Về nợ xấu tại ngân hàng mẹ, ông Vinh nhận định tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng trong quý I tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý II, sau đó giảm dần trong hai quý cuối năm về khoảng 2,2%.
Lý giải về con số nợ xấu cao của mình, NCB cho biết ngoài các nguyên nhân chung nói trên ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tổng Hợp
(VietnamBiz)