Một điển hình tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang thể hiện rõ. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lên. Mức độ chuyển biến xấu rõ rệt chỉ qua vài tháng cập nhật, và dự báo kéo dài.
Nếu “Nợ xấu COVID” xẩy ra bất thường và có yếu tố khách quan, cơ cấu lại để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn bị ảnh hưởng, thì luật xử lý nợ xấu nếu được xây dựng và ra đời cũng nằm trong mục tiêu hỗ trợ này.
COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề và lâu dài hơn, cấp độ lớn hơn đối với việc xử lý nợ xấu. Nó đánh dấu thêm một cấu phần mới trong xác định nợ xấu hiện nay. Cụ thể, nợ xấu nhận diện tổng thể trước đây chủ yếu bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán sang VAMC. Nhưng từ 2020, phạm vi nhận diện có thêm phần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (theo Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14).
“Nợ xấu COVID” ngày càng chiếm phần lớn. Nếu cuối năm 2020 nợ xấu nhận diện tổng thể chỉ 3,81% nói trên, nhưng nếu cộng thêm “Nợ xấu COVID” thì đã lên 5,08%. Tiếp tục, đến tháng 6/2021, tương ứng là 3,66% cộng thêm để lên tới 7,21%; trong khi đó nợ xấu nội bảng ghi nhận trên báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ là 1,73% mà thôi. Mức độ chuyển biến xấu rất nhanh như trên cũng từng được Hiệp hội Ngân hàng gián tiếp đề cập ở quy mô nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần được hỗ trợ cơ cấu lại lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng. Tốc độ và quy mô trên đến nhanh sau khi giãn cách xã hội mở rộng, kéo dài căng thẳng tại nhiều địa bàn trên cả nước, từ đợt bùng dịch cuối tháng 4 đầu tháng 5/2021 đến nay, và chưa dừng lại.
Tốc độ và quy mô trên là đã được kìm hãm bớt bởi hệ thống các tổ chức tín dụng đã và vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu song song. Về xử lý nợ xấu nội bảng, 6 tháng đầu năm 2021, toàn hệ thống đã xử lý được tổng số nợ xấu nội bảng là 78,86 nghìn tỷ đồng, trong đó: sử dụng dự phòng rủi ro là 33,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18,66 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20,55 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,11%.
Về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, đã xử lý được 359,41 nghìn tỷ đồng. Trong đó xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 187,18 nghìn tỷ đồng (chiếm 52,08% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 93,63 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,05%). Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng TPĐB là 78,60 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,87%). Bên cạnh đó, đến thời điểm 30/6/2021, các TCTD đã sử dụng 179,57 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành TPĐB đạt 35,93 nghìn tỷ đồng.
Năm 2020, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đứng trước triển vọng hoàn tất mục tiêu xử lý nợ xấu một cách triệt để, giảm tỷ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể (gồm nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu) về dưới mốc 3%. Năm 2016 tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%, năm 2017 giảm xuống còn 1,99%, năm 2018 còn 1,91%, năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì năm 2016 là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và sang đến năm 2020 là 3,81%. Quy mô trên đã giảm rất nhanh với mức độ rất mạnh, đặc biệt từ 10,58% của năm 2016 đến 2019 chỉ còn 4,43%. Thế nhưng, COVID-19 xẩy ra, bao trùm cả năm 2020 nên mức độ xử lý bị chậm lại và không đạt chỉ tiêu.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)