Với các chính sách hỗ trợ cũng như nỗ lực xử lý của các ngân hàng, nợ xấu được kỳ vọng sẽ ổn định vào cuối .
Từ đầu năm 2023, nợ xấu trong xu hướng tăng do sự trầm lắng của thị trường bất động sản cùng khả năng tài chính của doanh nghiệp và người vay yếu đi trong môi trường lãi suất cao, nhưng có sự kiểm soát và phân hóa giữa các nhà băng.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của các ngân hàng cho thấy, tổng quy mô nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán và Agribank tại thời điểm 30/6/2023 đạt 91.275 tỷ đồng, tăng 1.713 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương tăng 1,9%. Nhìn chung, dù có xu hướng tăng, song điểm tích cực là tỷ trọng nợ nhóm 5 trên tổng dư nợ của các ngân hàng đã giảm từ mức 0,9% hồi đầu năm xuống mức 0,86%.
Đứng đầu về quy mô nợ có khả năng mất vốn là Agribank với 18.464 tỷ đồng, dù đã giảm 536 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ nhóm 5 chiếm 1,26% tổng dư nợ cho vay khách hàng của Agribank, mức tỷ trọng cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) và cao hơn khá nhiều so với mức bình quân ngành.
Kế đến là BIDV có 12.963 tỷ đồng nợ nhóm 5 tại thời điểm cuối quý II/2023, tăng hơn 10% so với hồi đầu năm. Tốc độ tăng của nợ có khả năng mất vốn nhanh hơn quy mô tổng dư nợ đã kéo tỷ trọng nhóm nợ này trong tổng dư nợ BIDV tăng từ 0,77% lên 0,8%.
Việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khả năng “làm mềm” xu hướng tăng của nợ xấu và phần nào giảm áp lực trích lập dự phòng trong vài quý tiếp theo.
Kế đến trong tốp 10 ngân hàng có nợ nhóm 5 cao nhất là SHB (5.746 tỷ đồng), VietinBank (5.410 tỷ đồng), VPBank (4.990 tỷ đồng), Vietcombank (4.432 tỷ đồng), Sacombank (3.938 tỷ đồng), ACB (2.830 tỷ đồng), LPBank (2.438 tỷ đồng)…
Ngược lại, một số ngân hàng có ít nợ nhóm 5 nhất là Saigonbank (280 tỷ đồng), BAC A BANK (428 tỷ đồng), Kienlongbank (517 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây đều là những ngân hàng có quy mô dư nợ cho vay nhỏ nhất hệ thống tính đến cuối tháng 6/2023.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trên sàn chứng khoán phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Việc tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trong môi trường lãi suất cao chỉ mới bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy xu hướng này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý III/2023. Nợ xấu của các ngân hàng trên sàn đều tăng, còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại suy giảm trong một năm trở lại đây (từ 143% về 99,4%).
Diễn biến chất lượng tài sản trong hai quý đầu năm sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024. Theo đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng đáng kể trong 2 quý cuối năm nay do nợ xấu trong xu hướng tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm và các rủi ro liên quan đến một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong giai đoạn này.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khả năng “làm mềm” xu hướng tăng của nợ xấu và phần nào giảm áp lực trích lập dự phòng trong vài quý tiếp theo.
Dẫu vậy, tổng quy mô nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023 trên tổng dư nợ sẽ thấp hơn so với quy mô trong đại dịch Covid-19. Với việc nợ xấu hình thành vẫn ở mức cao trong quý II/2023 do đà tăng mạnh của nợ nhóm 2, các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng, tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong quý III trước khi giảm dần trong quý IV và những quý tiếp theo khi “sức khỏe” nền kinh tế phục hồi.
Tổng Hợp
(ĐTCK)