Lo ngại nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42 thêm 3 năm, tức là đến ngày 15/8/2025. Chính phủ sau đó cũng đồng ý với đề xuất này.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, qua gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã bộc lộ nhiều vướng mắc liên quan đến mua bán nợ xấu, quyền thu giữ tài sản đảm bảo, thủ tục rút gọn, xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý, việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự. Bên cạnh tổ chức thực hiện chưa tốt, còn có cả nguyên nhân do thiếu quy định, quy định khó áp dụng hoặc chưa đồng bộ với quy định tại Nghị quyết số 42.
Chẳng hạn, khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42 quy định, một trong các điều kiện để thu giữ tài sản bảo đảm là “tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền, không đang bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, hiện tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42.
Một vấn đề khác được nhiều ý kiến đề cập là chính sách thí điểm tại Nghị quyết số 42 chỉ được áp dụng đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 15/8/2017, hoặc dư nợ trước thời điểm 15/8/2017 và chuyển thành nợ xấu trong thời gian áp dụng Nghị quyết. Vậy, nếu chỉ kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 thêm 2 năm, thì liệu có xử lý triệt để và hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng như mục tiêu của đề xuất hay không?
Tại Tờ trình ngày 29/3 về Dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết kéo dài) được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra tuần qua, Chính phủ chỉ đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 thêm 2 năm.
Thời gian này được cho là phù hợp với định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Dự thảo Luật Xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ được đưa vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024. Theo Chính phủ, cần xác định Nghị quyết kéo dài là một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm xử lý triệt để và hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Do đó, việc tiếp tục tạo ra hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu là rất cần thiết nhằm khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước. Để tránh khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài tại Kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5/2022).
Để giải quyết những khó khăn mà Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nêu, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng, cần “nâng cấp” hành lang pháp lý xử lý nợ xấu lên thành luật và luật này để xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế, chứ không riêng nợ xấu của tổ chức tín dụng. Điều đáng nói là, vấn đề xây dựng luật xử lý nợ xấu đã được bàn đến từ 2 năm trước, khi sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42 và liên tục trong nhiều báo cáo gửi đến Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đều cho rằng, cần có luật xử lý nợ xấu.
Tổng Hợp