Theo giới chuyên gia và doanh nghiệp, những động thái của Chính phủ sẽ là “kim chỉ nam” trong tháo gỡ khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt, giúp nhà đầu tư gia tăng chỉ số niềm tin. Đặc biệt, đây sẽ là “bàn đạp” cho thị trường bất động sản 2023 có cơ hội phục hồi.
Nhiều chuyên gia nhận định dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng chỉ tiêu tín dụng, nhưng việc tiếp cận vốn vay đối với doanh nghiệp vẫn rất khó khăn ngay cả với dự án pháp lý hoàn chỉnh, kế hoạch kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp đảm bảo. Nếu gỡ được nút thắt này, những khó khăn của doanh nghiệp, của thị trường cơ bản sẽ được giải quyết. Ngược lại, nếu không giải quyết được, thị trường bất động sản vẫn sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 – 2%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nới room này và là động lực thúc đẩy thị trường “phá băng”.
Còn nhớ, năm 2008, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Việt Nam suy thoái, lạm phát và nợ xấu tăng nhanh (cả năm 2009 tăng 19,89%), lãi suất vay ngân hàng rất cao (23-24%/năm). Chính sách thắt chặt tín dụng của Chính phủ nhằm kiểm soát bong bóng BĐS và kiềm chế lạm phát khiến giá nhà đất lao dốc mạnh, giao dịch nguội lạnh vì thiếu dòng tiền.
Theo thống kê, giai đoạn 2010 – 2013, thị trường bất động sản đóng băng, tạo ra số lượng hàng tồn kho khó bán khoảng gần 40.000 căn, tương đương giá trị khoảng 95.000 tỷ đồng. Nợ xấu lên đến gần 9% dư nợ tín dụng.
Đến nay, khi nhà nước thắt chặt tín dụng, bất động sản ảm đạm, nhiều ý kiến cho rằng, một chu kỳ khủng hoảng bất động sản mới lặp lại.
Bởi theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2018 có gần 200.000 sản phẩm mới được cung cấp cho thị trường. Năm 2019, nguồn cung đã sụt giảm gần 1 nửa chỉ còn 110.000 sản phẩm.
Tính đến hết 9 tháng năm 2022, nguồn cung của thị trường bất động sản đạt 41.886, tương đương chỉ bằng 24% so với năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm, lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ trung bình chỉ đạt 43%.
Dù vậy, trong bối cảnh hiện tại, thị trường cũng có nhiều điểm khác biệt so với chu kỳ 10 năm trước. Các chuyên gia cho rằng, nếu kịp “bẻ lái” thị trường sẽ không bị rơi vào “thời kỳ đen tối”.
Cũng nhiều ý kiến cho rằng, ngoài chính sách được tháo gỡ, thị trường cần nhất lúc này là bài “thuốc an thần”, trấn an tâm lý nhà đầu tư. Bởi theo các chuyên gia, nguồn tài chính trong dân vẫn còn nhiều, nhưng tâm lý lo sơ từ những tin xấu quá nhiều trong thời gian qua dẫn đến việc người dân “găm” tiền, không đưa tiền vào lưu thông.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong khoảng 1 tháng qua Chính Phủ đã liên tục ban hành các văn bản, yêu cầu các bộ ban ngành liên quan khơi thông vốn, ổn định lại thị trường.
Ngày 17/11 Chính phủ đã ban hành quyết định số 1435 về thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tại công điện này, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, hợp lực để vượt qua khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, an toàn, lành mạnh.
Ngày 14/12/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Tại công điện này, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm chi phí, thủ tục hành chính để cung ứng vốn. Các nhà băng cần cho vay, giải ngân nhanh với những dự án, doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện, có khả năng trả nợ, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà thương mại giá phù hợp thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Theo đó, nhiều quy định liên quan đến nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu… sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay. Điều này cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.
Một số doanh nghiệp bất động sản cho biết, dự thảo cho phép kéo dài kỳ hạn, chuyển đổi thành tài sản khác với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành mới đưa ra lấy ý kiến và trước đó là việc nới room tín dụng thêm từ 1,5 – 2% là hai tín hiệu tích cực nhất cho thị trường hiện nay. Dù những vướng mắc vẫn còn đó nhưng tinh thần chung là tâm lý thị trường đã tích cực hơn.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Báo Giao Thông)