Trong năm 2020, Chính phủ đã tăng thêm vay nợ công. Trong năm 2021, Chính phủ đã và đang tiếp tục tìm cách tăng vay nợ công để hỗ trợ thêm nếu nền kinh tế vẫn hấp thụ vốn tốt, đảm bảo hiệu quả vốn vay. Nợ công vẫn còn cách ngưỡng an toàn khoảng 16% GDP nếu tính theo GDP mới năm 2020…
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và tác động trầm trọng của đại dịch với kinh tế – xã hội của cả nước, Chính phủ Việt Nam có những rà soát, điều chỉnh phù hợp và tăng mức vay nợ công để bù đắp các chi tiêu tăng cao trong phòng chống đại dịch trong năm 2020 và năm 2021.
Thực tế trong năm 2021, căn cứ vào tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch bùng phát trở lại lần thứ 4, trên cơ sở nguồn lực có thể huy động, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền can thiệp theo cách tiếp cận, hỗ trợ có mục tiêu và đan xen giữa nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Về chính sách thu ngân sách, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ công bố gói giãn hoãn, ưu đãi thuế tập trung hơn vào tháng 4/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này tiếp tục thành công khi cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đến cuối năm dương lịch, để doanh nghiệp có thêm vốn lưu động trong thời gian khủng hoảng. Gói này ước tính trị giá 1,9% GDP, bằng một nửa quy mô gói hỗ trợ năm 2020.
Trong năm 2020, chính sách này cũng được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, với tổng số thuế được gia hạn đạt 87.232 tỷ đồng, tương đương 3,8 tỷ USD. Đồng thời, không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách nhà nước, vì hoãn nộp thuế chỉ là biện pháp tạm thời và cuối cùng các doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế vào cuối năm. Cùng lúc đó, trong tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt gói hỗ trợ xã hội lần thứ hai cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Gói đảm bảo an sinh xã hội này ước tính có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD cũng các doanh nghiệp được hoan nghênh khi tổn thất tài chính của doanh nghiệp và xã hội tăng cao trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4.
Việc sửa đổi các quy định và thủ tục cũng giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với gói 16.000 tỷ đồng vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Cùng với đó, các gói hỗ trợ về miễn giảm 30 loại phí, lệ phí cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Ngoài gói hỗ trợ về tiếp tục giãn hoãn đòi nợ vay, tái cấu trúc các khoản nợ vay cho các doanh nghiệp, gần đây Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng giảm khoảng 2% lãi suất cho một khoản tín dụng trên 100.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế…
Nếu các gói hỗ trợ được triển khai thực hiện thành công và phát huy hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau giãn cách. Tuy nhiên, trong năm 2021 do các nghĩa vụ trả nợ các trái phiếu Chính phủ ở trong nước đến hạn nên theo tính toán, nghĩa vụ trả nợ đã tăng lên 27,3% so với thu ngân sách nhà nước, vượt mức trần 25% Quốc hội cho phép.
Hiện trái phiếu Chính phủ phát hành nội địa đã chiếm đến 14% thu ngân sách nhà nước, tức chiếm đến 51,3% tổng số tiền trả nợ. Đồng thời, Bộ Tài chính cố gắng tăng thu ngân sách để hạ thấp tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước về mức 24,8%. Nhưng vấn đề về khả năng trả nợ công, đảm bảo năng lực trả nợ công rất cần được Chính phủ cân nhắc, xem xét để đảm bảo an toàn nợ công. Việc tăng nợ công nếu có danh mục nợ tốt, chi phí nợ hợp lý, khả năng hấp thụ nợ của nền kinh tế tốt, hiệu quả sử dụng nợ vay cao, khả năng trả nợ được đảm bảo thì không có gì lo ngại.
(i) Trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; (ii) Trần nợ Chính phủ hàng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45%; (iii) Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Theo các báo cáo mới nhất của Chính phủ, nợ công năm 2020 đạt mức 45,08% GDP mới. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,7% GDP. Nếu so với GDP cũ thì tỷ lệ nợ công đạt 55,3%. Nợ Chính phủ ở mức 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,8%. Một chỉ tiêu quan trọng khác là nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 38,8%.
Như vậy, nếu so với ngưỡng quy định nợ công mới theo GDP mới năm 2020 thì nợ công vẫn còn cách ngưỡng khoảng 16% GDP, nếu so với ngưỡng trước năm 2020 là 65% thì còn gần 10% GDP. Do vậy, chưa cần nâng mức trần nợ công.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)