Nợ cần chú ý tăng mạnh tại nhiều ngân hàng dù được sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho thấy tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chất lượng tín dụng.
NIM có thể đi ngang do lãi suất huy động đầu vào ít có dư địa để giảm thêm bởi lãi suất thực sau khi điều chỉnh lạm phát đang rất thấp trong khi các ngân hàng đang tiếp tục chịu áp lực giảm lãi suất cho vay để giảm thêm, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng Covid. Tuy nhiên, NIM có thể mở rộng tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng (như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và đẩy mạnh phát triển công nghệ số, chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, giúp tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và giảm chi phí huy động vốn.
Với tốc độ tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng cho vay, tỷ trọng của nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ đều tăng mạnh tại hầu hết các ngân hàng. Tính chung 28 ngân hàng được khảo sát, tỷ trọng của nợ cần chú ý đã tăng từ mức 1,3% lên 1,7% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, VPBank đứng đầu về tỷ trọng này với nợ nhóm 2 chiếm 7,7% tổng dư nợ, tiếp đó là NCB (6,3%), VIB (3,3%), HDBank và VietBank (3%), TPBank (2,6%), ABBank (2,4%),…
Sau 9 tháng đầu năm, có tổng cộng 25/28 ngân hàng ghi nhận nợ cần chú ý tăng so với cuối năm trước. Trong đó, NCB đứng đầu về tốc độ tăng khi nợ nhóm 2 của ngân hàng này vào cuối quý III ở mức 2.587 tỷ, gấp gần 4,5 lần hồi đầu năm. Ngoài nợ cần chú ý, nợ xấu của nhà băng này cũng tăng tăng từ 609 tỷ lên 800 tỷ đồng. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% hồi đầu năm lên 1,94% vào cuối quý III. ACB cũng chứng kiến nợ cần chú ý tăng gấp 4,2 lần trong 9 tháng đầu năm lên 2.432 tỷ đồng. Không chỉ nợ nhóm 2, nợ xấu của nhà băng này cũng gia tăng nhanh chóng. Tại ngày 30/9, ACB có hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu (nợ nhóm 3-5), cao gấp rưỡi so với đầu năm, và hơn một nửa trong đó là nợ có khả năng mất vốn (trên 1.400 tỷ).
Một loạt ngân hàng khác cũng chứng kiến nợ cần chú ý tăng theo cấp số nhân trong 3 quý vừa qua như Bac A Bank (gấp 3,6 lần), HDBank (gấp 2,6 lần), VIB (gấp 2,5 lần), Vietcombank và Sacombank (gấp 2,3 lần),….
Ngược lại, Nam A Bank là ngân hàng có nợ nhóm 2 giảm mạnh nhất, từ mức 2.339 tỷ hồi cuối năm 2020 xuống còn 836 tỷ, tương đương giảm 64%. Sự thu hẹp của quy mô nợ cần chú ý trái ngược với xu hướng tăng mạnh của nợ xấu (tăng gấp gần 2,5 lần lên hơn 1.849 tỷ đồng). Như vậy, có khả năng một phần nợ nhóm 2 của nhà băng này đã bị chuyển xuống nhóm nợ xấu. Nợ nhóm 2 của OCB cũng giảm gần một nửa xuống còn hơn 1.400 tỷ đồng. Theo giải thích của ban lãnh đạo ngân hàng, đây là kết quả của nỗ lực đẩy mạnh thu hồi nợ xấu. Một ngân hàng khác cũng giảm được nhóm nợ này trong 9 tháng đầu năm là VietABank với quy mô giảm từ 1.029 tỷ xuống 797 tỷ đồng.
Trong đó, Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 nên tạm tính theo số liệu đến 30/6, ngân hàng này đang đứng đầu hệ thống về nợ cần chú ý với 37.151 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2020 và chiếm 3% tổng dư nợ cho vay. Chỉ đứng sau Agribank, nợ nhóm 2 của VPBank đến cuối quý 3 lên tới gần 24.500 tỷ đồng, tăng hơn 9.500 tỷ (tương đương 63%) so với cuối năm trước. Sự mở rộng nhanh chóng đã đưa tỷ trọng nợ nhóm 2 trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng từ mức 5,2% hồi đầu năm lên 7,7% vào cuối tháng 9.
BIDV cũng là nhà băng có số dư nợ cần chú ý vượt 10.000 tỷ với 14.630 tỷ đồng, tăng 7% và chiếm 1,1% tổng dư nợ. Ngoài những ngân hàng kể trên thì SHB, Vietcombank, VIB, HDBank, VietinBank, MB và TPBank cũng nằm trong Top 10 ngân hàng có nhiều nợ nhóm 2 nhất tại thời điểm 30/9. Nợ có khả năng cần chú ý của 10 ngân hàng đứng đầu này lên tới 113.342 tỷ đồng, chiếm đến 84% tổng nợ nhóm 2 của 28 ngân hàng khảo sát.
Tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn. Đặc biệt, bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng có lợi thế trong việc được NHNN xem xét cấp room tín dụng, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn Basel II và tiến đến Basel III. Nhiều ngân hàng đã và đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng và thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu khi các thông tin cụ thể được công bố.
Nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong quý 3 có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Tuy nhiên, các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục, đồng thời thị trường bất động sản (tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng) duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)