Kể từ tháng 7, các nhà máy tại Việt Nam, nhà cung cấp giày dép lớn thứ hai cho Hoa Kỳ sau Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động do các vấn đề liên quan đến COVID-19. Theo ghi nhận gần đây từ nhà phân tích sức khỏe và lối sống của BTIG, Camilo Lyon, mảng kinh doanh của Nike, Under Armour, Adidas và Deckers Outdoor’s Hoka là những công ty có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng nhất từ việc ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Mặc dù cả giày thể thao và quần áo đều bị ảnh hưởng bởi việc ngừng hoạt động, nhưng sự phức tạp và mức độ cao của đội ngũ nhân viên liên quan đến sản xuất giày dép đã khiến nó dễ gặp khó khăn hơn may mặc. Hầu hết tác động đang được cảm nhận ở miền nam của đất nước, nơi có phần lớn các cơ sở sản xuất cho các công ty giày dép và may mặc.
Kể từ khi hai nhà cung cấp giày Nike tại Việt Nam ngừng sản xuất vào tháng 7, công ty đã có gần hai tháng không sản xuất đơn vị nào trong khu vực. Việt Nam trước đây chiếm 51% sản lượng giày dép của Nike và 30% đơn vị may mặc vào năm ngoái. Do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng gần đây, BTIG đã hạ hạng Nike xuống vị trí trung lập khỏi mua.
Gã khổng lồ ngành thời trang có doanh số bán hàng thấp hơn dự kiến, tổng doanh thu tăng 12% trong giai đoạn kết thúc vào 31/8 so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn 16% mà các nhà phân tích mong đợi, thăm dò bởi FactSet. Việc đóng cửa nhà máy do dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam bắt đầu vào tháng 7, do đó không ảnh hưởng đến kết quả quý trước. Nhưng việc chậm trễ của chuỗi cung ứng toàn cầu đồng nghĩa với việc Nike sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trong quý trước, Nike cho biết việc chuyển hàng hóa từ châu Á sang Bắc Mỹ mất khoảng 80 ngày, gấp đôi so với thời gian trước đại dịch.
Lợi nhuận vẫn vượt kỳ vọng, với lợi nhuận ròng cao hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào khả năng điều chỉnh giá của Nike. Bất chấp việc quảng cáo rầm rộ đi cùng các sự kiện thể thao như Olympics, Nike vẫn chi ít hơn 9,6% cho hoạt động quảng bá – tiếp thị so với những gì mà Phố Wall bỏ ra. Tại Việt Nam, nơi Nike sản xuất hơn một nửa số giày dép của mình, gần như tất cả các nhà máy sản xuất giày dép vẫn tạm dừng. Công ty cho biết thêm, việc mở cửa trở lại và sản xuất đầy đủ công suất sẽ mất nhiều thời gian. Công ty điều chỉnh kế hoạch và dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng mức trung bình một chữ số cho năm tài chính 2022 (bắt đầu vào tháng 6). Trước đó, công ty của Mỹ kỳ vọng tăng trưởng 2 chữ số.
Cổ phiếu của Nike giảm 4%, hiện thấp hơn 12% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 8. Mặc dù tác động của việc Việt Nam đóng cửa nhà máy và khó khăn trong chuỗi cung ứng là rất nghiêm trọng, nhưng đó là những yếu tố tương đối nhất thời và cũng ảnh hưởng đến đối thủ của Nike. Do đó, các đối thủ cạnh tranh cũng khó có khả năng chiếm được thị phần. Nike có bảng cân đối kế toán mạnh và khả năng đưa được mức giá bán cao hơn để bù đắp bất kỳ chi phí nào phát sinh từ vận tải hàng không và logistics.
Diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam không chỉ là mối lo của người dân trong nước, mà còn là vấn đề của nền kinh tế toàn cầu. Từ trước khi làn sóng Covid-19 thứ 4 tấn công Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế vốn đã phải vật lộn với giá cước vận tải cao ngất. Giờ đây, họ còn phải ra sức bảo vệ công nhân tại các nhà máy ở Việt Nam cũng như phải gỡ rối cho chuỗi cung ứng, đặc biệt là khi một số cảng biển lớn hoặc hoạt động sản xuất ở các nhà máy khác tại châu Á bị đình trệ. Tình hình còn cấp bách hơn khi mùa mua sắm cuối năm sắp đến gần, doanh nghiệp phải nhanh chóng gia công đơn hàng cho kịp tiến độ.
Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tại các địa phương miền trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động với công suất 50 – 70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)