Bước sang năm 2023, thị trường được dự báo tiếp tục gặp khó khăn về vốn và pháp lý. Tuy nhiên, với sự chung tay và nỗ lực vực dậy thị trường địa ốc của Chính phủ cũng như các địa phương, doanh nghiệp đã có niềm tin trở lại. Niềm tin này được thể hiện ở các bản kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận khả quan, được công bố tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây của loạt doanh nghiệp địa ốc…
Theo giới chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp tự tin vào kế hoạch năm 2023 là bởi thời gian gần đây, Nhà nước đã có nhiều có chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản, pháp lý dự án của các doanh nghiệp cũng đang được hoàn thiện… Đây được xem là điểm sáng của thị trường trong năm 2023.
Năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào thế khó khi nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn để làm dự án và trả các khoản nợ đáo hạn, nguồn cung trên thị trường giảm mạnh, tồn kho tăng, thanh khoản thị trường suy yếu…
“Chưa bao giờ, Chính phủ và các địa phương thể hiện nỗ lực phục hồi và củng cố thị trường bất động sản như hiện nay. Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, ngân hàng cũng đang cố gắng kéo giảm lãi suất. Đây là những tín hiệu tích cực. Về vốn, trái phiếu, tín dụng, các giải pháp hiện nay cũng đang triển khai theo hướng gỡ vướng cho thị trường bất động sản”, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhận định.
Lượng giao dịch thực tế tại các dự án bất động sản hiện nay chưa nhiều, người mua nhà vẫn lưỡng lự khi “xuống tiền”. Nguyên do là lãi suất vay mua nhà hiện vẫn còn khá cao. Hơn nữa, nhiều người đã có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với ngành bất động sản vì tình trạng mua rẻ bán đắt diễn ra trong nhiều năm qua đã đẩy giá nhà đất vượt quá khả năng chi trả của người có nhu cầu ở thực.
Chia sẻ tại Hội thảo Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế tổ chức mới đây, ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh thẳng thắn cho rằng, mất mát lớn nhất hiện nay là khách hàng, nhà đầu tư mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, các doanh nghiệp đang làm mọi cách để khách hàng an tâm quay trở lại xây nhà, sửa nhà, mua nhà…
Thậm chí, hiện nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng bán sản phẩm không lợi nhuận với mong muốn lớn nhất là khách hàng đồng ý “xuống tiền”, thu hút người tiêu dùng quay trở lại, gây dựng niềm tin cho thị trường.
Thống kê mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, do ảnh hưởng bởi sự trầm lắng của thị trường bất động sản, hầu hết sàn giao dịch mới thành lập trong vòng hai năm trở lại đây đều đóng cửa. Trong quý I/2023, khoảng 30 – 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có khu vực con số này lên tới 80%.
Lượng môi giới bất động sản nghỉ việc cũng gia tăng. Ước tính, số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Cá biệt, tại một số khu vực, số lượng môi giới bất động sản tiếp tục nghỉ việc lên tới 80%.
Trên sàn chứng khoán, thống kê chỉ có 4 doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới bất động sản có cổ phiếu niêm yết gồm: DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh, CRE của CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand), KHG của CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land, NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi.
Trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng kéo dài, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi doanh thu hoạt động kinh doanh chính sụt giảm mạnh.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư, VietnamBiz)