Sức ép lên doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc đang vơi dần. Niềm tin còn, doanh nghiệp còn
Rất khó dự đoán bức tranh thị trường địa ốc sẽ ra sao trong thời gian tới, song thực tế là sức ép đối với các doanh nghiệp đang vơi dần. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động, củng cố nguồn lực để sẵn sàng cho năm 2023 dự báo tươi sáng hơn.
Đơn cử, tại Novaland, theo đề án tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời bắt tay với các cổ đông, đối tác nước ngoài, các đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY – Parthenon, Công ty Luật YKVN… để đánh giá tổng thể tình hình Tập đoàn và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.
“Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là doanh nhân, chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức, bởi trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến”, ông Nhơn nói và cho biết, Novaland đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động bán hàng, thu xếp nguồn vốn, cắt giảm các khoản đầu tư chưa thực sự cần thiết để tối ưu chi phí, tập trung tối đa nguồn lực hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản ở trung tâm TP.HCM.
Theo ông Lê Hoài Thanh, Giám đốc Ban Kinh doanh, City Group, trong bối cảnh khó khăn, đa phần doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng “thiếu ô-xy”. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có năng lực đã có sự xoay chuyển, cấu trúc lại nhân sự, chi phí… và bắt đầu biến chuyển từ cuối quý IV/2022. Với góc nhìn lạc quan, ông Thanh cho rằng, thị trường bắt đầu xuất hiện tín hiệu tích cực từ quý II/2023 và trở nên rõ nét hơn từ quý III.
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, ông Thanh cho biết, City Group đang tập trung phát triển dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, tầm giá từ 1 tỷ đồng/căn, nên người mua chỉ cần từ 200-300 triệu đồng là có thể sở hữu nhà. Dự kiến giai đoạn 2023-2024, City Group sẽ tung ra thị trường khoảng 20.000 sản phẩm.
Bên cạnh thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội nhất định. Từ tháng 9-12/2022, những khó khăn như lãi suất tăng, kẹt tín dụng… xuất hiện, song không xuất phát từ chính sách, mà từ sự bất ổn trong cách huy động và sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đã linh hoạt đưa ra giải pháp nên thị trường không xuất hiện các cú sốc như giai đoạn khủng hoảng 2011-2012.
Lãi suất được dự báo sẽ hạ nhiệt trong quý I và ổn định từ cuối quý II/2023. Theo đó, tháng 6/2023 là thời điểm phù hợp để đầu tư cho mọi lĩnh vực, bao gồm cả bất động sản.
Thị trường địa ốc sẽ phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và những dự án hạ tầng đang được đầu tư mạnh.
Trong những cuộc trà dư tửu hậu dịp tân xuân, thay vì tâm lý lo ngại như trước đây, không ít lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc bày tỏ sự lạc quan, niềm tin cũng trở lại sau những động thái mạnh mẽ của cơ quan quản lý trong việc vực dậy thị trường bất động sản.
Mới nhất, trong buổi gặp đầu năm với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2023 là tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường địa ốc. Ðiều đó cho thấy, nếu những vướng mắc của thị trường bất động sản được tháo gỡ thì sẽ góp phần xử lý những tồn tại liên quan tới nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, sở hữu chéo… vốn đã kéo dài từ nhiều năm nay. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, là một ngành kinh tế trọng yếu, sự “nóng – lạnh” của thị trường địa ốc đều tác động rất lớn và ngay lập tức đến các lĩnh vực kinh tế khác, nếu vực dậy thị trường càng sớm thì càng có lợi cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) công bố mới đây cho thấy, gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022, tăng gần 40% so với năm trước và cao hơn nhiều so với giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh 2020-2021. Đó là chưa kể rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, tinh giản tối đa bộ máy, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng các dự án hiện hữu, dừng triển khai các dự án mới… để ứng phó với khó khăn bủa vây.
Tại hội thảo “Bắt mạch thị trường bất động sản năm 2023” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đã dùng cụm từ “họa vô đơn chí” khi nói về thách thức mà kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản nói riêng phải đối mặt trong năm 2023.
Theo ông Lực, có nhiều yếu tố bất lợi ở cả bên trong lẫn bên ngoài gây ảnh hưởng to lớn chưa từng có tới Việt Nam kể từ sau khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2009-2011. Với thị trường bất động sản, đó là sự bất ổn lan rộng ở mọi khu vực, mọi phân khúc và mọi đối tượng tham gia thị trường.
“Vì vậy, tôi tán thành việc cơ quan quản lý nhìn nhận đúng vai trò và có những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, bởi trong nhịp tăng trưởng chung, thị trường này không những không thể ‘lạc phách’, mà còn phải trở lại ở một tâm thế mới tốt hơn, bền vững hơn. Thị trường bất động sản không cần bùng nổ như giai đoạn trước, nhưng cần có sự ổn định cho sự phát triển trong dài hạn”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhấn mạnh tại hội thảo.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã họp với Chính phủ và Bộ Xây dựng để bàn cách xử lý những tồn tại trong ngành hiện nay, trong đó phần lớn là những vấn đề liên quan tới pháp lý dự án và thủ tục hành chính. Tới nay, đã có những thông tin về việc giải quyết những tồn đọng này, song thị trường cần thời gian để thẩm thấu.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)