Trên thực tế, không dễ có sự công nhận trong chính giới kinh doanh. Và cũng không phải dễ để doanh nhân nói về lý tưởng, về sự tử tế, về giá trị nhân văn trong kinh doanh, mà không bị cho là sáo rỗng.
Dường như đang có sự thay đổi lớn trong tư duy, trong lý tưởng, trong khát khao làm được những điều mà thế giới làm, thậm chí làm hơn cả những điều mà thế giới đang làm của nhiều doanh nhân.
Giới doanh nhân biết rõ hơn ai hết, trong nền kinh tế đang chuyển đổi, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện thì làm lớn, làm khác là đối mặt với rủi ro, thậm chí rất dễ thất bại. Khi đó, không chỉ trắng tay mà có thể đổi mặt với sự vô tình của pháp luật. Họ cũng biết rõ, nếu chọn con đường cũ thì vẫn có một cuộc sống đầy đủ, an toàn.
Từ Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi đến Trịnh Văn Bô và hàng trăm nhà kinh doanh yêu nước khác đã cho thấy tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong từng chặng đường phát triển của đất nước.
“Đầu thế kỷ XX, khi xuất hiện tầng lớp doanh nhân Việt Nam đầu tiên trong xã hội thuộc địa cũ, cụ Lương Văn Can đã cảnh báo sự hạn chế của những người không ý thức được kinh doanh cũng là một văn hóa, doanh nhân cũng phải là người có văn hóa. Nhớ lại cụ từng phê phán một bộ phận doanh nhân thời đó có những hạn chế như không biết ngoại ngữ, sùng ngoại, tham lam, tiêu pha phí phạm…. Đó là những biểu hiện về văn hóa, VHDN. Lời góp ý đó trải qua một thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị” Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Nhưng chọn con đường khó, họ sẽ thúc đẩy sự phát triển của từng doanh nghiệp, của từng lao động trong doanh nghiệp, kích thích mong muốn được sống hạnh phúc, tử tế của từng người, dù doanh nghiệp có thể đi chậm hơn, khó khăn hơn.
Đặc biệt, vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Những người đi trước đã chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp không chỉ giá trị tài sản, mà quan trọng hơn, là giá trị nhân văn trong kinh doanh, trong tìm kiếm lợi nhuận.
Từng doanh nhân, doanh nghiệp, người lao động tử tế, hạnh phúc sẽ tạo ra xã hội tử tế, hạnh phúc. Đó là nền tảng của phát triển bền vững. Đó là sứ mệnh mà thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện tại đang đặt lên vai. Trong một môi trường đầu tư thuận lợi, những doanh nghiệp yêu nước không có lý do gì lại không dốc sức, dốc lòng để cống hiến cho đất nước, với khát vọng khiến Việt Nam ngẩng cao đầu.
Hơn 1 năm sau khi đầu tư hàng tỷ USD vào Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai Agrico), ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), tiếp tục rót ngàn tỷ đồng “giải cứu” Công ty cổ phần Hùng Vương – doanh nghiệp một thời gắn với biệt danh “vua cá tra” Dương Ngọc Minh.
Song trong kinh doanh, ông Dương không thích từ “giải cứu”. Nó là cơ duyên, cơ hội để ông tham gia một ngành mới, chia sẻ hợp tác để làm tốt hơn. Cả 2 thương vụ bắt tay với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai và ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương đều vì cách chia sẻ hợp tác giữa doanh nghiệp, doanh nhân, để cùng nhau đóng góp, nâng tầm nông nghiệp Việt.
Ngay trong thời điểm căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ nhất, ngày 3/4/2020, Tập đoàn Vingroup quyết định cấp tốc triển khai sản xuất máy thở các loại và máy đo thân nhiệt nhằm đáp ứng nhanh chóng cho cuộc chiến đấu chống lại đại dịch ở Việt Nam.
Môi trường của các doanh nhân luôn bất ổn và thay đổi không ngừng. Họ luôn phải nắm được ngành nào đang hấp dẫn, những gì đang diễn ra bên trong ngành đó và tự tìm cách gia tăng giá trị cho bản thân một cách độc đáo nhất. Họ không chỉ chấp nhận thế giới xung quanh như cách mà họ nhìn thấy. Họ nhận ra mình muốn thay đổi thế giới xung quanh ra sao và tìm cách thay đổi nó theo cách mà họ muốn.
Các doanh nghiệp của Việt Nam thường được nhắc đến vì họ đã làm điều đó bằng cách tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà họ cho là cần phải có trên đời này. Nhiều doanh nhân dấn thân vào kinh doanh không phải vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn, mà vì kinh nghiệm của cá nhân họ đối với ngành kinh doanh đó chưa đủ và họ muốn tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho bản thân, bạn bè và gia đình.
Hay như ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group luôn sẵn sàng bắt đầu làm những điều khác biệt, bước chân vào lãnh địa mới để xem “có làm nên trò trống gì ở đó không”. Ông xây dựng thương hiệu của Masan thể hiện tham vọng thống trị thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam và khu vực. Sự phát triển của Masan đã đem lại sự giàu có cho rất nhiều người, trong đó có các cổ đông lớn của Công ty, các nhà đầu tư lớn và những nhân viên lâu năm.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thời gian qua có thể coi là đầy ắp sự đổi mới, nhưng cũng chứa đựng sự điên rồ, có thời điểm lạc quan quá mức rồi lại bi quan. Đó là làn sóng khởi nghiệp bùng nổ. Không hiếm start-up quên hết giá trị kinh tế của các phương thức kinh doanh truyền thống khi tiếp cận mô hình kinh doanh mới.
Doanh nhân là người dẫn dắt, truyền cảm hứng trong công cuộc kiến tạo đất nước và doanh nhân cũng là một nguồn dự trữ sức mạnh quốc gia để sẵn sàng đương đầu với những bất trắc mang tính toàn cầu đe dọa cuộc sống bình yên và phát triển của đất nước.
Ngày xưa, Trịnh Văn Bô dùng tài chính giúp cách mạng thì ngày nay vẫn có những Trịnh Văn Bô khác đem tâm sức, trí tuệ gắn vào dòng chữ “Made in Vietnam” xuất cảng. Hai hoàn cảnh lịch sử, hai cách thức khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là làm cho “dân thịnh nước cường”.