Một kịch bản khó được dự báo là tươi sáng khi các doanh nghiệp địa ốc phải thận trọng đặt ra mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2020.
Bước qua nửa đầu năm 2020, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp địa ốc phần nào cũng thở phào nhẹ nhõm. Bởi chí ít, so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và quay trở lại quỹ đạo phát triển kinh tế. Thị trường bất động sản trên cơ sở đó phục hồi dần dần.
Thực tế, khoảng thời gian kéo dài vì dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng đứng trên ngưỡng phá sản, suy kiệt về tài chính. Nếu như giai đoạn đầu năm là mốc khởi điểm cho một năm thuận buồm xuôi gió với các dự án tung ra tới tấp thì năm 2020, hàng loạt các dự án bị trì hoãn, tạm dừng mở bán. Công cuộc chống dịch và nuôi bộ máy hoạt động suốt khoảng thời gian kéo dài trong khi luồng tiền mới đổ về là âm, càng khiến doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình cảnh khó khăn.
(Ảnh minh họa)
Di chứng đó vẫn khiến doanh nghiệp địa ốc phải đau đầu trong bài toán cân đo đong đếm nguồn tiền, tìm cách chống chọi lại với cuộc khủng hoảng được dự báo sẽ có thể nổ ra.
Thế nên, trong kế hoạch tăng trưởng năm 2020, nhiều doanh nghiệp địa ốc buộc phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2020. Điển hình như CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), năm 2020, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu và lợi nhuận đều giảm khoảng 15% so với kết quả thực hiện được ở năm 2019.
Thẳng thắn nhìn nhận, thì rõ ràng, dù một số doanh nghiệp báo lãi nhưng kết quả của hoạt động kinh doanh này đến từ nguồn tiền thặng dư với các dự án bất động sản mở bán trước đó.
Còn đến nay, tốc độ bán hàng đã bị giảm sút nghiêm trọng. Tâm lý ám ảnh bởi khủng hoảng đã khiến các nhà đầu tư và người dân trong tư thế giữ tiền mặt. Điều này đã tác động mạnh đến công tác bán hàng của những doanh nghiệp địa ốc.
Trong khi đó, việc triển khai thực hiện dự án mới chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, các thủ tục, chính sách pháp lý vẫn rối như tơ vò. Các sai phạm liên quan đến đất đai, nhất là động thái siết chặt, rà soát dự án chậm triển khai, sai phạm từ phía cơ quan chức năng sẽ tiếp tục khiến nguồn cung xuất hiện trên thị trường có nguy cơ giảm mạnh.
Mặt khác, điểm khó của doanh nghiệp địa ốc còn đến từ nguồn vốn bị siết chặt. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc Ngân hàng Nhà nước mạnh tay siết vốn trong bối cảnh tác động của nền kinh tế đang trầm lắng sẽ khiến doanh nghiệp địa ốc rơi vào giai đoạn khó khăn.
Dù hiện tại, doanh nghiệp địa ốc đang xoay mình tìm nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu nhưng tương lai phía trước cũng khó khả quan. Bởi mới đây, Bộ Tài chính đã phải “tuýt còi”, cảnh báo nhà đầu tư khi doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu với lãi suất cao, từ 11-15%. Mặt khác, việc mua trọn lại khối lượng khổng lồ trái phiếu bất động sản từ hệ thống nhà băng đang cảnh báo nguy cơ: nếu kinh tế cứ khó khăn, doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì tất yếu một hệ thống có thể đổ vỡ.
Trong khi đó, nguồn vốn từ chứng khoán lại chẳng dễ dàng vì nội tại của kênh đầu tư này còn đang chao đảo bởi dịch bệnh.
Có vẻ như, chặng đường phía trước của doanh nghiệp địa ốc vẫn còn muôn vàn khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng phát triển dường như phải lùi lại bằng quyết tâm sống sót qua giai đoạn này, ít nhất là trong ngắn hạn.
Và nếu như kịch bản kinh tế thế giới còn tăm tối khi dịch chưa kiểm soát thì tâm lý đầu tư trên thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn. Với doanh nghiệp địa ốc, đó là nỗi lo về một biểu đồ chạm đáy trong lĩnh vực có giá trị vốn hóa lớn nhất này cùng khả năng sốc dậy sẽ chậm.
Triệu Vương