Vào ngày kết thúc tuần lễ đầu tháng 3, thị trường cổ phiếu bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm, khi đó bắt đầu vào thời điểm hoảng loạn và chiến tranh dầu mỏ giữa Nga và Ả Rập Saudi cũng mới diễn ra. Và nay thì mọi sự tồi tệ đã đến, thị trường nợ toàn cầu như “quả bom” nổ chậm.
Fed đã cứu…
Thời điểm đầu tháng 3, tôi và nhiều chuyên gia dự báo thị trường còn phải giảm mạnh nữa vì rủi ro vỡ nợ của nền kinh tế khi đó rất cao. Một chuyên gia giao dịch trái phiếu cho một ngân hàng đầu tư lớn, cho rằng một đợt vỡ nợ lớn sẽ đến với thị trường trái phiếu doanh nghiệp chất lượng thấp (junk bonds), tức những trái phiếu xếp hạng tín nhiệm kém, không có các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư hoặc điều khoản bảo vệ lỏng lẻo và tài sản thế chấp chất lượng thấp.
Nếu thị trường trái phiếu vài trăm tỷ này vỡ nợ, nó có thể kích nổ một quả bom nợ lớn hơn trong thị trường nợ trị giá 250.000 tỷ USD toàn cầu (gấp 2,5 lần GDP toàn cầu). Giả sử 2% trong số đó vỡ nợ, theo ước tính thì đó là một quả bom nợ 5.000 tỷ USD phát nổ. Khi đó thị trường sẽ không nhìn thấy đáy nếu chính phủ không can thiệp.
Rất may khoảng hơn 2 tuần sau đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã can thiệp bằng cách tiến hành chương trình mua lại trái phiếu trên thị trường. Chương trình này bắt đầu ngày 23-3 với những can thiệp trên thị trường trái phiếu chính phủ, sau đó Fed đã mở rộng chương trình này, mua cả trái phiếu doanh nghiệp và cả trái phiếu chất lượng thấp.
Rất nhiều nhà đầu tư đã phản ứng tích cực và tin rằng Fed đã đoán trước diễn biến thị trường và hành động phù hợp. Hành động này của Fed đã giúp thị trường bình tâm và giải quyết nỗi lo về sự sụp đổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chất lượng thấp này. Chỉ số chứng khoán Mỹ tăng lại từ 23-3 được sự hỗ trợ không ít của động thái này. Fed đã làm điều mà trước nay chưa có tiền lệ.
Nhưng không thể cứu…
Tuy nhiên, hiện nay ngày càng lộ rõ Fed không thể mua được tất cả trái phiếu và khoản nợ có vấn đề trên thị trường, trong khi đó số quả bom nợ xấu ngày càng hiện rõ. Trước tiên, dựa trên báo cáo lợi nhuận quý I trong tuần trước, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã phải dự toán tăng mạnh số trích dự phòng nợ xấu lên 25 tỷ USD.
Điều này phản ánh các ngân hàng này dự kiến số nợ chuyển thành nợ xấu sẽ tăng lên mạnh trong quý II.
Thứ hai, đa phần các ngân hàng nhỏ có các khoản nợ liên quan đến các công ty dầu khí Mỹ đều có cổ phiếu giảm giá 30-60%, và hầu như chẳng hề hồi phục khi thị trường đi lên lại từ 23-3.
Điều đó phản ánh thị trường cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ chuyên phục vụ ngành dầu khí sẽ không dễ vượt qua khó khăn như những ngân hàng có danh mục cho vay đa dạng hơn như Bank of America. Việc này đã được dự đoán trước khi mà người ta đồn đoán nhiều công ty dầu đá phiến của Mỹ thường vay nợ rất lớn sẽ không thể vượt qua được thử thách lần này, bởi mức giá dầu đang ở rất thấp so với mức hòa vốn của họ.
Bên ngoài nước Mỹ, công ty chuyên đầu cơ dầu Hin Leong của Singapore trên bờ vực vỡ nợ gần 4 tỷ USD. Một loạt ngân hàng quốc tế bao gồm HSBC, ABN Amro và 3 ngân hàng lớn nhất của Singapore đều nằm trong số chủ nợ lớn. Số công ty này sẽ còn tăng nữa, khi mà các nền kinh tế lớn của Nam Mỹ và châu Phi phụ thuộc nặng vào dầu khí như Brazil và Nigeria, cũng đang đứng trước những thử thách lớn khi giá dầu giảm mạnh.
Nhưng không chỉ những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu khí mới gặp nguy cơ vỡ nợ. Ở châu Âu, những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia cũng đang gặp nguy cơ. Hàng năm, giới tài chính thường có câu là bán vào tháng 5 và đi nghỉ hè (Sell in May and go away).
Năm nay, họ đang phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội và bị phong tỏa (lock down). Thị trường du lịch của những nền kinh tế châu Âu này vì vậy dự đoán rất ảm đạm. Một tín hiệu rõ ràng là công ty thẻ tín dụng American Express ước tính doanh thu mảng du lịch và giải trí giảm gần 100% trong báo cáo lợi nhuận vừa công bố ngày 24-4.
Con số ước tính này của American Express là một tín hiệu báo hiệu một mùa nghỉ hè không có gì vui vẻ và thư giãn cho các nền kinh tế Nam Âu dựa vào du lịch của bãi biển và nắng ấm.
Lĩnh vực dịch vụ của Tây Ban Nha ước tính sẽ mất khoảng 120 tỷ EUR trong năm nay – theo một báo cáo của tờ Financial Times. Còn theo một báo cáo của Ernst & Young, khoảng 280.000 công ty kinh doanh ăn uống sẽ bị ảnh hưởng nặng, trong đó nhiều nhà hàng sẽ đóng cửa mãi mãi; các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng sẽ chật vật để tồn tại; nhiều dịch vụ bán hàng du lịch, tiệm tạp hóa cũng sẽ không thể đứng vững…
Tương tự như vậy là Hy Lạp, nếu không nói là tệ hơn, bởi sẽ tồn tại như thế nào nếu một nửa số khách du lịch không đến đó nghỉ dưỡng nữa. Ngày nay họ đang đứng trước khả năng gần 80% số khách đó sẽ biến mất trong mùa hè này.
Italia đúng ra có thể vững hơn Hy Lạp và Tây Ban Nha khi nền kinh tế lớn thứ ba khối EU này còn có những tổ hợp công nghiệp lớn để chống đỡ. Nhưng bản thân những tổ hợp công nghiệp này và nhiều ngân hàng Italia đã chật vật tồn tại mấy năm nay với nhiều khoản thua lỗ được phù phép đâu đó trên bảng cân đối kế toán.
Trong tuần lễ kết thúc ngày 24-4, ngân hàng lớn nhất nước Italia là UniCredit cũng đã tăng dự phòng nợ xấu lên thêm 900 triệu EUR. Nhưng nhiều nhà phân tích ngân hàng cho rằng số dự phòng này sẽ không đủ khi mà số nợ xấu ước tính có thể lên đến mấy chục tỷ EUR. Sự chênh lệch giữa con số tổn thất doanh thu hơn cả trăm tỷ eur của nhiều ngành và con số tăng dự phòng vài trăm triệu eur là điều mà giới phân tích đang lo ngại.
Các nước Nam Âu có thể sẽ không qua được cơn bão lần này nếu không thành lập ngân hàng nợ xấu để chuyển các khoản nợ quá hạn từ bảng cân đối của ngân hàng thương mại sang ngân hàng chuyên xử lý nợ xấu này. Thế nhưng ý tưởng này đang mắc kẹt trong tiến trình thương lượng chính trị đầy phức tạp ở châu Âu.
Vậy Việt Nam thì sao?
- Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều cho thấy các số liệu hết sức tồi tệ về tăng trưởng kinh tế và niềm tin tiêu dùng.
- Ở một khía cạnh nào đó, thời gian giãn cách xã hội của Việt Nam ngắn hơn nhiều nước châu Âu, đồng thời có rất ít ca bệnh, do đó yếu tố đầu tiên là tâm lý xã hội còn tương đối thoải mái, có thể duy trì được sức mua nội địa không rơi thẳng đứng như số liệu niềm tin tiêu dùng ở Anh, Mỹ hay châu Âu.
- Tuy nhiên, Việt Nam lại đối mặt với vấn đề tương đối khác. Đó là sức cầu từ bên ngoài. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI.
- Trong khi đó, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều cho thấy các số liệu hết sức tồi tệ về tăng trưởng kinh tế và niềm tin tiêu dùng. Liệu điều đó có báo trước một giai đoạn đầy khó khăn cho các công ty xuất khẩu và ngân hàng cho họ vay?
- Lấy thí dụ chuỗi siêu thị Asda của Anh đang hủy 1/4 số đơn hàng đã đặt với nhiều nhà cung cấp. Các chuỗi thương xá đi vào quy trình phá sản như Debenhams đang ngày một tăng. Số đơn hàng may mặc, giày dép vì vậy cũng sẽ mất đi. Tương tự như vậy, khi hàng loạt nhà hàng đi vào phá sản ở các nước châu Âu, kéo theo nhu cầu nhập khẩu thủy sản sẽ chững lại.
- Hay như hàng điện tử, một trong những lĩnh vực xuất khẩu mạnh của Việt Nam qua cửa ngõ của các công ty FDI như Samsung là hy vọng vì thông thường nhu cầu khá ổn định. Tuy nhiên, chỉ vài ba tháng nữa, khi mà người Mỹ nhận ra họ chìm trong nợ tiền nhà và tuyên bố phá sản thẻ tín dụng, thị trường sẽ tràn ngập với hàng điện tử bán tháo. Vì vậy, vẫn cần thận trọng khi đánh giá cầu từ bên ngoài với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam, vốn được thúc đẩy bằng vay nợ mạnh trong vài năm qua thông qua tín dụng rồi trái phiếu (sau khi tín dụng bất động sản bị siết), cũng là một ẩn số. Quân domino nào sẽ đổ trước?
Ngân hàng Nhà nước đã có kinh nghiệm xử lý nợ trước đây qua công cụ trái phiếu VAMC. Nhưng nay quy mô của đợt đổ vỡ này nếu lớn hơn thì có lẽ ý tưởng một ngân hàng nợ xấu đúng nghĩa mà ít bị trói tay chân với nhiều nghiệp vụ hơn cần được xem xét trước khi quá trễ. Nếu không gỡ bom nợ xấu kịp thời trước khi nó nổ, mọi chuyện sẽ là quá muộn.
Bên ngoài nước Mỹ, công ty chuyên đầu cơ dầu Hin Leong của Singapore trên bờ vực vỡ nợ gần 4 tỷ USD. Một loạt ngân hàng quốc tế bao gồm HSBC, ABN Amro và 3 ngân hàng lớn nhất của Singapore đều nằm trong số chủ nợ lớn, trong khi các con nợ chuyên kinh doanh dầu đang đứng trước những thử thách khi giá dầu giảm mạnh.
TS. HỒ QUỐC TUẤN Giảng viên Đại học Bristol Anh
Theo Sài Gòn Đầu Tư