Nhiều đại gia trên sàn chứng khoán như chủ tịch của Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hòa Phát hay Tập đoàn FLC đang dùng một phần đáng kể sở hữu cá nhân làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của doanh nghiệp “con cưng”.
Ông Trịnh Văn Quyết trợ giúp FLCHomes
Theo báo cáo tài chính bán niên hợp nhất năm 2020 mới công bố, CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (Mã: FHH) đang vay nợ ngắn hạn gần 305 tỉ đồng tại ngày 30/6, không có vay nợ dài hạn.
Một phần khoản nợ ngắn hạn kể trên được bảo đảm bằng 16,2 triệu cổ phiếu ROS do CTCP Xây dựng FLC Faros phát hành và 30 triệu cổ phiếu BAV do CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát hành, tất cả đều thuộc sở hữu của cá nhân ông Trịnh Văn Quyết.
Ông Quyết nổi tiếng với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways trong nhiều năm qua. Ngoài ra, ông Quyết còn từng giữ chức Chủ tịch của FLC Faros nhưng đã từ nhiệm ngày 7/4/2020. Sau khi rời ban lãnh đạo FLC Faros, ông Quyết đã bán hàng trăm triệu cổ phiếu ROS và không còn là cổ đông lớn của công ty.
Tính theo giá đóng cửa 2.190 đồng/cp của phiên 14/9, số 16,2 triệu cổ phiếu mà ông Quyết thế chấp cho khoản vay của FLCHomes có giá trị thị trường khoảng 35 tỉ đồng.
Cổ phiếu BAV chưa giao dịch tập trung nên khó xác định giá trị hiện tại. Tập đoàn FLC – công ty mẹ của Bamboo Airways – từng công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu này lên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá 60.000 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, số cổ phiếu mà ông Quyết dùng để bảo đảm cho FLCHomes có tổng trị giá 1.800 tỉ đồng.
Tổng số chứng khoán niêm yết mà ông Quyết đang nắm giữ (không kể các cổ phiếu chưa giao dịch tập trung như Bamboo Airways hay FLCHomes …) hiện có giá trị khoảng 730 tỉ đồng.
Cuối năm 2017 khi giá cổ phiếu ROS đang ở thời kì đỉnh cao, ông Quyết từng giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị cổ phiếu hơn 58.800 tỉ đồng. Hiện nay ông Quyết đã bán gần hết cổ phiếu ROS.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, FLCHomes có lãi sau thuế hợp nhất 3,8 tỉ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 14 tỉ đồng cùng kì năm ngoái. Năm 2020, FLCHomes đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 80 tỉ đồng; sau nửa đầu năm, công ty mới thực hiện được chưa đầy 5% kế hoạch.
FLCHomes không phải công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC nhưng tham gia cùng FLC trong nhiều dự án. Bà Bùi Hải Huyền – Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch HĐQT FLCHomes.
‘Bầu’ Đức nâng đỡ Hoàng Anh Gia Lai
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) cũng dùng một lượng lớn cổ phiếu thuộc sở hữu cá nhân để giúp công ty vay tiền.
Cụ thể, ông Đức đem 23,2 triệu cp HAG để bảo đảm cho khoản vay tại Sacombank – Chi nhánh Sài Gòn; 12,96 triệu cp HAG để bảo đảm khoản vay trái phiếu Ngân hàng TMCP Bản Việt và gần 45 triệu cp HAG để bảo đảm cho khoản vay trái phiếu tại BIDV.
Ông Đức hiện nay đang nắm giữ gần 327 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 35,23% vốn điều lệ Hoàng Anh Gia Lai. Tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu HAG mà ông Đức sở hữu có tổng giá trị gần 1.600 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hoàng Anh Gia Lai lỗ hợp nhất sau thuế 134 tỉ đồng, có cải thiện so với số lỗ 706 tỉ đồng của nửa đầu năm ngoái. Cả năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai lỗ sau thuế hợp nhất trên 1.800 tỉ đồng.
Chủ tịch Trần Đình Long bảo lãnh cho Hòa Phát Dung Quất
Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cũng đang dùng 100 triệu cổ phiếu HPG của cá nhân ông để bảo lãnh cho khoản vay 1.700 tỉ đồng từ Vietcombank. Tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu HPG này có trị giá 2.460 tỉ đồng.
Khác với FLCHomes hay Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát nhiều năm qua liên tục có lãi nghìn tỉ. Cụ thể năm 2019, tập đoàn đầu ngành thép này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7.578 tỉ đồng, năm trước đó là 8.601 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu 2020, Hòa Phát lãi sau thuế 5.060 tỉ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kì năm ngoái; doanh thu thuần 39.655 tỉ đồng, tăng gần 30%.
Tuy kết quả kinh doanh khả quan nhưng Hòa Phát vẫn đang cần vay nợ nhiều để đầu tư xây dựng cơ bản cho dự án Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi.
Số tiền 1.700 tỉ đồng vay của Vietcombank nói trên được Hòa Phát dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh của công ty con là CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất.
Trong tháng 8/2020, lò cao số 3 và lò thổi số 4 của Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được đưa vào vận hành. Dự kiến đến đầu năm 2021, lò cao số 4 (cũng là lò cao cuối cùng của dự án) sẽ đi vào hoạt động.
Sau đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 20% hồi tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long hiện nay đang nắm giữ 840 triệu đơn vị HPG, tương đương 25,35% vốn của Hòa Phát và có giá trị thị trường hơn 20.600 tỉ đồng. Vợ và con trai ông Long cũng đang sở hữu tổng cộng hàng trăm triệu cổ phiếu HPG.
Đức Quyền – Song Ngọc
Theo Kinh tế & Tiêu dùng