Hàng chục dự án triệu đô ở TP.HCM ngắc ngoải, “đắp chiếu” nhiều năm nay đã trở thành tài sản thế chấp tại ngân hàng, nhưng việc phát mãi, bán đấu giá để xử lý nợ không dễ.
Không thể không nhắc đến dự án Lancaster Lincoln Quận 4. Dự án được khởi công từ cuối năm 2017, mở bán vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, ngay sau sự kiện mở bán, dự án đã nhận ngay quyết định xử phạt vì tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Kể từ đó, dự án cũng bị đình trệ, cho đến nay chủ đầu tư đã 4 lần trễ hẹn bàn giao nhà cho khách hàng.
Những ai từng đi đến trung tâm TP. HCM, ngang qua giao lộ Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng ngay quận 1, sát bên chân cầu Khánh Hội, cũng bày tỏ sự tiếc rẻ với cao ốc Sài Gòn One Tower dở dang nằm chơ vơ hơn chục năm qua.
Với diện tích hơn 6.672m2, theo thiết kế ban đầu tòa nhà sẽ có khối đế là trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế với 34 tầng và khối căn hộ cao cấp.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng), từng được kỳ vọng là một trong những tòa cao ốc biểu tượng tại Sài Gòn. Thế nhưng được khởi công từ năm 2007, đến cuối năm 2011 dự án đã ngưng thi công đến nay.
Tháng 3/2018, VAMC công bố đưa ra bán đấu giá dự án Sài Gòn One Tower với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Dù kết quả không công bố, nhưng rõ ràng cuộc bán đấu giá này chưa thành công, xác dự án vẫn khiến bộ mặt đô thị bị ảnh hưởng. Khu đất được đánh giá là đắc địa bậc nhất Sài Gòn giờ lại trở thành một trong những “tội đồ” khiến bộ mặt thành phố trở nên xấu hơn với khối bê tông trơ cốt thép nằm giữa khu vực trung tâm của TP. HCM.
Kenton Node từng được mệnh danh “thiên đường nhiệt đới” nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè, TP. HCM) cũng khiến khu nam đang phát triển như vũ bão bị một vết sẹo.
Tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node. Giá trị khoản nợ bán của BIDV bao gồm toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh… lên hơn 4.153 tỷ đồng. Tuy nhiên đợt bán đấu giá này cũng chưa thành công.
Ngay tại khu vực trung tâm TP.HCM, Dự án Alpha Town, tọa lạc trên khu đất số 289 – Trần Hưng Đạo (quận 1) vẫn chưa có dấu hiệu thi công sau nhiều năm. Bên trong hàng rào của Dự án, từng đống sắt thép nằm “phơi nắng phơi mưa”.
Lô đất hơn 4.000 m2 này ban đầu được UBND TP.HCM giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Đây vốn là một chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, buộc phải di dời các hộ dân.
Năm 2007, khu đất được phê duyệt thành Dự án Khu trung tâm thương mại – dịch vụ – văn phòng cho thuê và căn hộ, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Khải. Năm 2010, Dự án được khởi công, nhưng không lâu sau đó đã tạm ngưng. Đến năm 2017, UBND TP.HCM điều chỉnh chức năng khu đất này thành Dự án Thương mại – dịch vụ – văn phòng, không còn chức năng căn hộ. Sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (WIPD Group), thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bất ngờ trở thành chủ đầu tư.
Đến giờ, khu đất này được quảng bá là dự án toà nhà văn phòng hạng A có tên Alpha Town do Alpha King làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 35 tầng, dự kiến cung cấp 70.000 m2 văn phòng và hơn 2.300 m2 sàn thương mại.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), nơi giá mỗi mét vuông đất lên đến cả tỉ đồng, đắt đỏ nhất TP.HCM; cũng có cả ngàn mét vuông đất “kim cương” bỏ hoang. Đó là khu đất tại số 117 – 119 Nguyễn Huệ, diện tích lên đến 2.724 m2 được phê duyệt xây dựng dự án BIDV Tower cao 40 tầng do Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư nhưng rồi bỏ đó.
Những khu đất trên đều được xem là “tấc vàng” ở TP.HCM nhưng không phát huy được giá trị, đang được tận dụng để làm bãi giữ xe, sân tennis, nơi bán cây cảnh…
Điển hình, khu đất số 132 – Đào Duy Từ (phường 6, quận 10), rộng hơn 10.600 m2 có chức năng là đất thương mại dịch vụ, có thể xây dựng chung cư 25 tầng vẫn đang “nằm bất động”, được dùng làm bãi giữ xe, sân tennis, trong khi mỗi mét vuông đất ở đây đang có giá thị trường khoảng 140 – 168 triệu đồng. 5 khu đất còn lại cũng được giới kinh doanh bất động sản ước tính giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng/khu, song vẫn chỉ đang thu về những “đồng lẻ” từ cho thuê tạm bợ.
Ngoài ra, TP. HCM cần phải rà soát lại, bao gồm cả những khu đất trống bỏ hoang nhiều năm và đưa ra chính sách tháo gỡ, khuyến khích chủ đầu tư đưa vào sử dụng dù là tối thiểu như làm bãi giữ xe. Điều này giúp không bỏ phí nguồn lực của xã hội và cũng giảm bớt những khu vực “xấu xí” trong lòng một đô thị lớn.
Nhiều dự án đã xây dựng một số hạng mục trên đất, thậm chí đã bán căn hộ nhưng vẫn không thể tiếp tục triển khai. Loại này muốn thu hồi không hề dễ.