Những “khác thường” trên thị trường tiền tệ hiện nay cho thấy cần thêm nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và huy động được các nguồn lực để trụ vững và có cơ hội phát triển trong tương lai.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.
“Quá dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất. Bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…”, ông Quang trao đổi với báo giới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng.
Những “khác thường” trên thị trường tiền tệ hiện nay cho thấy cần thêm nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và huy động được các nguồn lực để trụ vững và có cơ hội phát triển trong tương lai. Đây cũng là những tế bào giúp nền kinh tế khỏe mạnh, tránh được bạo bệnh.
Thực trạng của thị trường tiền tệ hiện nay cũng được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, từ đó, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động bình quân 0,8%/năm, lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 – 1,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục đi xuống trong thời gian tới nhờ thanh khoản hệ thống rất dồi dào, thể hiện qua lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 0,4%/năm và lãi suất 1 tuần chỉ còn 0,8%/năm. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong năm nay ở mức 14 -15%, nhưng dư nợ tín dụng 6 tháng mới tăng 4,2%.
“Đúng ra khi lãi suất hạ, tín dụng sẽ tăng, nhưng vì sao có câu chuyện tín dụng tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh?”, Phó Thống đốc nêu vấn đề và cho rằng xuất phát từ ba nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, nên cầu tín dụng không thể tăng cao được.
Thứ hai, hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.
Thứ ba, hiện nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, nên không tiếp cận được vốn vay.
Trước những bất thường trên thị trường tín dụng, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên tìm giải pháp gọi vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thông qua phát hành cổ phần. Những doanh nghiệp minh bạch, có dự án tốt, hoạt động hiệu quả không khó để huy động vốn trên thị trường chứng khoán với chi phí tối ưu so với các kênh gọi vốn khác.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận kênh huy động vốn trung và dài hạn cần được ưu tiên. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, các cơ quan liên quan cần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là liên quan đến bốn vướng mắc chính: pháp lý và thực thi công vụ; tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính…); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng; giữ chân người lao động.
Tổng Hợp
(ĐTCK)