Sau khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, ngày càng có nhiều công ty tuyên bố ngừng hoạt động tại Nga. Vậy những công ty nào, trong lĩnh vực nào đang rời khỏi Nga và tại sao những doanh nghiệp khác lại đang do dự?
Khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, các hãng năng lượng ngay lập tức đã phải chịu áp lực. Điều đó càng được tăng cường khi Anh, Mỹ công bố lệnh cấm hoặc hạn chế dầu mỏ và khí đốt của Nga.
BP dù sở hữu lượng lớn cổ phần tại gã khổng lồ năng lượng Nga Rosneft nhưng chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, công ty này đã thông báo tạm dừng hoạt động. Tiếp đó là Shell, ExxonMobil và Equinor cũng cam kết cắt giảm đầu tư vào Nga sau áp lực từ các cổ đông cũng như chính phủ và công chúng.
Trong khi đó, Total Energies, một công ty lớn khác tại Nga, cũng cho biết sẽ không tài trợ cho các dự án mới ở nước này. Nhưng không giống như các công ty cùng ngành khác, hãng dầu khí của Pháp không có kế hoạch bán các khoản đầu tư hiện có của họ tại đây. Vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với các khoản đầu tư đó, liệu cuối cùng chúng có được bán, thu lại một phần giá trị hay đơn giản sẽ bị xóa sổ với mức tổn thất lớn.
Hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới L’Oreal và đối thủ Estee Lauder đều đang đóng cửa hàng và ngừng bán hàng trực tuyến tại Nga. Estee Lauder, với các thương hiệu bao gồm Michael Kors, DKNY, Clinique và Bobbi Brown, đã có mặt tại đất nước này khoảng 30 năm và Nga là nơi có doanh số bán hàng cao nhất.
Trên thực tế, năm ngoái Nga là thị trường bán lẻ lớn thứ 5 trên toàn cầu của các thương hiệu châu Âu, trị giá 337,2 tỷ bảng Anh. Vì vậy, một số thương hiệu không muốn “cắt đường lui” của mình, nếu có cơ hội sẽ quay trở lại vào một ngày sau đó.
Đó là lý do nhiều công ty, bao gồm cả các nhà bán lẻ xa xỉ khác như Burberry và Chanel, chỉ đơn giản nói rằng họ đang “đình chỉ” bán hàng và tạm thời đóng cửa các cửa hàng thay vì tuyên bố rút lui hoàn toàn, Chris Weafer – Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Macro -visory Limited – cho biết. Theo ông, với các lệnh trừng phạt hạn chế các hình thức thanh toán và sự không chắc chắn về giá cả trong tương lai cũng như sự cuồng nhiệt của người tiêu dùng, môi trường kinh doanh đang “cực kỳ thách thức” khiến cho các quyết định tạm ngừng dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, các nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới như H&M và Inditex, chủ sở hữu Zara, có 502 cửa hàng ở nước này, đã đình chỉ bán hàng ở Nga, với lý do tình hình ở Ukraine. Các thương hiệu khác như Nike cho biết họ hiện không thể đảm bảo giao hàng cho khách hàng ở Nga. Theo Maureen Hinton của công ty tư vấn bán lẻ GlobalData, nhiều thương hiệu có khả năng sẽ làm theo. Boohoo, gã khổng lồ nội thất Thụy Điển Ikea và nhà bán lẻ quần áo Nhật Bản Uniqlo, ban đầu vẫn tiếp tục mở cửa 49 cửa hàng ở Nga và nói rằng quần áo là “nhu cầu thiết yếu của cuộc sống”, cũng nằm trong số những thương hiệu đã cắt đứt quan hệ tại Nga. Ngay cả Levi’s, thương hiệu quần jean đã trở thành biểu tượng kinh doanh hậu Xô Viết ở Nga, cũng đã đóng cửa các cửa hàng. Hãng quần jean Mỹ này cho biết khoảng 4% doanh số thuần của họ đến từ Đông Âu và Nga trong năm ngoái.
Samsung, nhà cung cấp điện thoại di động hàng đầu ở Nga, cho biết sẽ tạm dừng các chuyến hàng đến nước này nhưng không nói liệu các cửa hàng của họ có đóng cửa hay không. Hãng Sony và Nintendo của Nhật Bản cũng đã đình chỉ việc cung cấp máy chơi game tại thị trường Nga. Sony cũng đã đình chỉ việc ra mắt trò chơi đua xe “Gran Turismo 7” tại thị trường này. Apple cũng đã tạm dừng bán toàn bộ sản phẩm của hãng này tại Nga và hạn chế một số dịch vụ khác như Apple Pay và Apple Maps. Các cửa hàng của nhà sản xuất iPhone cũng đã đóng cửa.
McDonald’s, Coca-Cola, Starbucks và Heineken là những công ty lớn nhất tuyên bố đang ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Nga sau khi chịu sức ép phải hành động ngày càng tăng.
McDonald’s cho biết họ đã tạm thời đóng cửa khoảng 850 nhà hàng tại Nga. Starbucks cũng cho biết 100 quán cà phê của họ tại Nga sẽ đóng cửa. Bà Anna MacDonald, Giám đốc quỹ tại Amati Global Investors, cho rằng các công ty ban đầu vẫn kín tiếng về cuộc xung đột nhưng đã phải hành động vì các cổ đông “không chịu” tiếp tục làm ăn tại Nga.
Theo bà, việc tiếp tục làm ăn tại Nga đang ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của họ và “nếu tiếp tục làm như vậy là hoàn toàn không phù hợp”.
Pepsi, thương hiệu nước giải khát có sự hiện diện tại Nga lớn hơn nhiều so với đối thủ Coca-Cola, cũng cho biết đang tạm dừng sản xuất và bán Pepsi cũng như các thương hiệu toàn cầu khác tại Nga. Tuy nhiên, công ty có 20.000 nhân viên tại đây cho rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp các sản phẩm khác.
Những công ty thực phẩm như Nestlé, Mondelez, Procter & Gamble và Unilever cũng đã ngừng đầu tư vào Nga nhưng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, British American Tobacco thông báo sẽ bán hoạt động kinh doanh của mình tại Nga do “không còn bền vững trong môi trường hiện tại”.
Tổng Hợp