Khủng hoảng của thị trường hiện nay khác với những giai đoạn trước. Trước là thừa cầu, thiếu cung, còn nay thì ngược lại. Do khan hiếm nguồn hàng chính thống, thủ tục thực hiện dự án ngày càng khó khiến giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần.
Làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện khi các doanh nghiệp chưa có điều kiện phục hồi sau làn sóng thứ nhất của đại dịch. Hiện nay, doanh nghiệp đang phải rà soát lại các dự án và triển khai các kế hoạch dài hơi hơn, đồng thời các nhà đầu tư thận trọng khi chọn kênh đầu tư phù hợp.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, đại dịch mang đến cơ hội để các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhìn nhận thực tế hơn về đầu tư bất động sản và hiện tượng tăng giá của thị trường trong các điều kiện bất khả kháng.
“Mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh tuy nhiên thời gian vừa qua trên thị trường bất động sản vẫn có những sản phẩm ghi nhận sự tăng giá. Trên thực tế, nếu đầu tư thực chất vào các yếu tố đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, tiện ích đa dạng,… sẽ dẫn đến hiện tượng mặt bằng giá tăng lên. Nhóm các sản phẩm trước đây không đáp ứng được kỳ vọng của người mua sẽ không bán được. Điều này dẫn đến mặt bằng chung các sản phẩm mới ra có xu hướng giá cao hơn, làm tăng giá của thị trường”, bà Hằng khẳng định.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh, trong đầu tư bất động sản, nếu đầu tư ngắn hạn thì nhà đầu tư cần cân nhắc tập trung vào các dòng sản phẩm ở khu vực có nhu cầu cao, thanh khoản tốt, nguồn cung sản phẩm hạn chế. Song, vẫn có một thực tế là cần đầu tư bất động sản với một tầm nhìn dài hạn. Các sản phẩm đô thị có ưu thế hơn so với sản phẩm nghỉ dưỡng vì trong bối cảnh hiện tại, giới đầu tư thường đặt ra câu hỏi liên quan đến vấn đề kiểm soát dịch và việc quản lý khai thác các dòng sản phẩm đầu tư đó.
Dường như những lạc quan về thị trường thời điểm này đang cho thấy bức tranh khả quan hơn về BĐS trong giai đoạn cuối năm đến đầu năm 2021. Thế nhưng, thị trường nhà đất có thực sự khởi sắc trở lại vào cuối năm nay hay phải mất nhiều thời gian hơn để phục hồi?
Nhiều chuyên gia trong ngành dự báo, vào khoảng cuối năm 2020 thị trường BĐS sẽ “ổn định bình thường” trở lại. Chia sẻ tại hội thảo mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các tác động tới thị trường BĐS là tích cực do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có thể phục hồi.
Theo đó, trong những năm gần đây, thương mại toàn cầu giảm mạnh và sang năm tới phục hồi sẽ kéo theo dòng tiền đầu tư. Cụ thể, đầu tư của Chính phủ, đầu tư PPP, FDI vào BĐS cũng có xu hướng tăng. Chính phủ chuẩn bị khởi công một số hạ tầng lớn, từ đó sẽ tác động tới thị trường BĐS.
Ngoài ra, đầu tư của tư nhân cũng có tác động mạnh tới thị trường. Dòng vốn đầu tư này đang tập trung vào những TP lớn, những nơi có đô thị hóa mạnh. Điều này phụ thuộc vào dòng đầu tư nói chung, tạo ra một trào lưu về đô thị hoá mới, bắt đầu từ năm 2017 và dự kiến kéo dài tới 10 năm. Về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được dự báo sẽ thắt chặt, nhưng mức độ còn khá lỏng.
Trên cơ sở đó, vị chuyên gia này đúc kết, xét về tổng thể thị trường BĐS năm 2020, cầu có thể tăng, giá cũng có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tuy nhiên đến cuối năm 2020, thị trường có thể trở lại “bình thường”.
Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phát triển dự án bất động sản tại Hà Nội, Tp.HCM trong khoảng thời gian 2-3 năm trở lại đây rất ì ạch. Tại Hà Nội, gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này. Các dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cung cấp sản phẩm cho thị trường một cách từ từ, nhỏ giọt. Trung bình nguồn cung mới ra thị trường Hà Nội chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ cho một thành phố có gần mười triệu dân.
Còn với Tp.HCM, số lượng các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu (quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường…).
Bên cạnh đó, thị trường còn biểu hiện nhiều bất cập về cung – cầu. Trong lượng cung mới từ các dự án bất động sản tại Hà Nội, Tp.HCM rất hiếm dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân – phân khúc đang có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất, đạt khoảng 70%. Các phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp chỉ khoảng 10% thì lại đang chiếm nguồn cung chủ đạo trên thị trường.
Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ.
Đồng thời xuất hiện nghịch lý: giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30-40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại Tp.HCM, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Cũng vì khan hiếm nguồn hàng dự án nên nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô. Tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi… Giá dao động từ 30-50 triệu đồng (tăng từ 10-15%).
Gần đây, khi có sự việc bất khả kháng xảy ra, việc di chuyển là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Các dự án bất động sản có thể di chuyển bằng đường bộ dễ dàng, nhanh chóng sẽ thu hút được các nhà đầu tư hơn. Những sản phẩm mới ra thị trường sẽ có thể giữ giá, hoặc tăng giá nhưng chỉ tăng khi chủ đầu tư/đơn vị phát triển & kinh doanh uy tín, sản phẩm chất lượng.
Dự báo về tình hình BĐS cuối năm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam nhận định, thông thường, cuối năm là thời điểm thị trường BĐS diễn ra các hoạt động tích cực, sôi nổi cả về nguồn cung và tiêu thụ.
Năm 2020 có nhiều biến động và thị trường bất động sản suy giảm mạnh, tuy nhiên theo dự báo, quý 4/2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng hơn so với quý 3/2020. Ước tính quý 4/2020 sẽ có khoảng 7.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Theo đó, bức tranh thị trường sơ cấp cuối năm 2020 đang dần sáng hơn.
Đối với thị trường thứ cấp, đa số người mua vẫn có tâm lý thận trọng và chờ hết năm. Mức giá có thể không biến động quá nhiều, đặc biệt đối với đất nền. Một số dự án căn hộ đến thời điểm bàn giao nhà hoặc căn hộ có giá trị dưới 2,5 tỷ thường có giao dịch tích cực hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhạy cảm khi một vài chủ đầu tư muốn ra mắt sản phẩm để ghi nhận doanh thu cho năm 2020, nhưng những dự án này chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định về pháp lý.