Từ đầu năm đến nay, tất cả các nguyên vật liệu, kể cả chi phí vận hành trong ngành đều tăng cao; điều này khiến cho nhu cầu nguồn vốn của doanh nghiệp cũng phải tăng lên theo tương ứng, ước tăng khoảng 50 – 60% so với trước đây.
Thực tế, kể từ cuối quý II/2022 đến nay, do room tín dụng hạn chế, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Phần lớn các trường hợp được ưu tiên vay vốn thường là các doanh nghiệp có sẵn quan hệ tín dụng với ngân hàng và có tài sản đảm bảo.
Câu chuyện tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi 2% còn khó khăn hơn với các doanh nghiệp SME. Trong văn bản đốc thúc giải ngân gói hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lãi suất là các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn ngân hàng; đồng thời các ngân hàng không được hạ chuẩn cho vay. Do đó, việc vay vốn ưu đãi của doanh nghiệp SME cũng chẳng dễ dàng, dù nhu cầu rất lớn.
Tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng thương mại không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện vay vốn sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn, vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng.
Thông thường các ngân hàng thương mại cũng sẽ có phương án cho doanh nghiệp được vay một phần không cần tài sản đảm bảo. Điều này tùy thuộc vào sự linh hoạt, chủ động của từng ngân hàng, tuy nhiên, đó phải là doanh nghiệp có lịch sử tín dụng không có nợ xấu, có mối quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng và minh bạch báo cáo tài chính, dòng tiền.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du Lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, kể từ khi chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng nhưng lại chưa đảm bảo điều kiện vay, do không có tài sản thế chấp.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đề nghị ngành ngân hàng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch.
Không riêng doanh nghiệp trong các ngành trên, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, nhu cầu vốn để đáp ứng kế hoạch kinh doanh cuối năm hiện rất lớn, song việc tiếp cận vốn ngân hàng đang rất khó khăn. Thậm chí, ngay cả khi room tín dụng được tháo gỡ, thì việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp SME vẫn là câu chuyện khó khăn dài kỳ chưa thể tháo gỡ ngay trong thời gian ngắn.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, vấn đề chính hiện nay của các doanh nghiệp thành phố là nguồn vốn. Sau đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp SME đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Phía ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp khi vay phải có tài sản thế chấp nhưng rất ít doanh nghiệp SME đáp ứng được yêu cầu này.
Trong khi đó, các yêu cầu liên quan đến báo cáo tài chính, chứng minh dòng tiền có thể trả nợ… vẫn luôn là điểm yếu của nhiều doanh SME. Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước COVID -19, nhưng nhiều doanh nghiệp SME vẫn rất khó đáp ứng được yêu cầu.
“Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, nhưng chỉ có doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được. Còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì rất khó tiếp cận được vốn tín dụng”, ông Phạm Ngọc Hưng cho biết.
Việc tiếp cận dòng vốn tín dụng lại đang bị ách tắc do hầu hết các ngân hàng đều cạn room tín dụng. Việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng khó khăn hơn, do phần lớn không có tài sản đảm bảo.
Tổng Hợp