Trong khi tăng trưởng tín dụng chung thấp, một số ngân hàng vừa và nhỏ đã gần chạm room (hạn mức tăng trưởng) tín dụng chỉ sau nửa năm và được Ngân hàng Nhà nước đồng ý nới thêm.
“Ngân hàng đã đề xuất xin cơ quan quản lý nới room tín dụng từ cuối tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Nếu không sớm được duyệt, ngân hàng có thể sẽ chạm mức tăng trưởng vào tháng 8-9 tới”, Giám đốc khối bán lẻ một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội nói với Zing hồi giữa tháng 7.
Theo vị này, trong khi tín dụng chung toàn nền kinh tế tăng chậm vì dịch Covid-19, nhà băng nơi ông làm việc vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 chữ số. Theo tính toán, mức tăng trưởng tín dụng 15% mà NHNN giao cho ngân hàng có thể hoàn thành sớm hơn dự kiến.
Báo cáo mới công bố của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, cầu tín dụng suy giảm và các ngân hàng quy mô lớn như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank thận trọng trong việc cho vay mới khiến nhu cầu tín dụng chuyển hướng tìm đến các ngân hàng cổ phần tư nhân có nguồn vốn tốt (thể hiện qua chỉ số CAR).
VCBS cho biết, NHNN hiện đã nới room tín dụng lên mức 18-22% cho một số ngân hàng bao gồm Techcombank, VPBank, TPBank, VIB, HDBank… Đồng thời kỳ vọng tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng dưới 10% trong năm nay.
Báo cáo mới công bố của FiinGroup cũng chỉ ra, tín dụng tại nhóm ngân hàng tư nhân mạnh về bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng vẫn tăng trưởng tốt từ đầu năm như TPBank (11%), VIB (6%), MBBank, VPBank (5%) và Techcombank (4,8%). Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh lại ghi nhận tăng trưởng rất chậm.
Nhu cầu tín dụng chuyển vào nhóm ngân hàng tư nhân khi các ngân hàng thương mại quốc doanh thận trọng trong việc cho vay. Ảnh: Hoàng Hà.
Thực tế nửa đầu năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng trong toàn nền kinh tế đã giảm mạnh. Số liệu từ cơ quan quản lý tiền tệ cho biết, đến ngày 29/6, tín dụng mới tăng 3,26%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, dù ở mức thấp, tín dụng những tháng vừa qua đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Trong đó, tháng 3 tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; mức tăng ghi nhận trong tháng 4 chỉ là 0,12%. Qua tháng 5 và tháng 6, chỉ số này tăng lần lượt 0,53% và 1,28%.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng điều kiện tăng trưởng lành mạnh đã được thực hiện từ đầu tháng 7 nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong đó, việc nới room sẽ phụ thuộc vào năng lực vốn của các ngân hàng và tình hình thực tế.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đã đạt xấp xỉ 11% sau 4 tháng, trong khi chỉ tiêu được giao cả năm nay chỉ là 11,5%.
Vì vậy, ban lãnh đạo đang xem xét xin NHNN nới room tín dụng để duy trì tăng trưởng.
Hay như tại VPBank, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng vừa qua cho biết, tín dụng nhà băng này đã tăng 9,8% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ tăng trưởng này ở riêng ngân hàng mẹ thậm chí đã đạt 12,7%, trong khi hạn mức được giao là 13%.
Sacombank tăng trưởng nửa đầu năm đạt 6% trên tổng số 9% được giao; VIB cũng ghi nhận mức tăng 6% sau nửa đầu năm, trên chỉ tiêu 10,5%…
Các ngân hàng kể trên cũng là nhóm nhà băng đã trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay, vượt chỉ tiêu được giao, bất chấp dịch bệnh diễn biến khó lường.
Trong đó, TPBank đã lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 15%, VIB dự kiến tăng 24%, HDBank tăng 16%, hay MSB, OCB đều trên 20%…
Ngược lại với ngân hàng tư nhân, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank lại có tốc độ tăng trưởng rất thấp từ đầu năm.
5 tháng đầu, Vietcombank đạt mức tăng trưởng tín dụng 3% và là ngân hàng duy nhất trong nhóm này tăng trưởng tín dụng dương giai đoạn này.
Ngay cả trong kế hoạch tăng trưởng, các nhà băng này cũng chủ yếu bám sát chỉ tiêu của NHNN giao, dao động trong khoảng 8,5-11%. Riêng Vietinbank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 4-8,5%.
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay chắc chắn sẽ chậm lại, con số được dự báo sẽ vào khoảng 9-10%, thấp hơn định hướng đầu năm là 12-13%.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, với diễn biến tín dụng hiện nay, khó có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 14% như năm 2019 được NHNN đặt ra cho năm nay. Ông dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 10%.
Vị chuyên gia cũng cho biết, với mức tăng trưởng chung thấp này, việc nới room cho nhóm ngân hàng quốc doanh là không cần thiết, vì các nhà băng này khó có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch.
Tuy nhiên, tại một vài ngân hàng đã sử dụng hết room thì nên nới thêm để vừa góp phần vào tăng trưởng chung của toàn ngành vừa mang tính khuyến khích các nhà băng khác trong hệ thống.
Kết quả khảo sát về kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng năm nay do NHNN công bố đã giảm từ 13-14% xuống mức 10,5%. Điều này cho thấy chính các ngân hàng cũng không tự tin với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay, đặc biệt khi cầu chung vẫn thấp và chủ yếu phát sinh ở mảng tiêu dùng, bán lẻ.
Nhờ có Thông tư 01 cho phép dư nợ cơ cấu lại vẫn được hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn, không phải trích lập dự phòng, lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Từng nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản và lợi nhuận lớn nhất năm 2012, tuy nhiên, Eximbank đã tỏ ra hụt hơi so với các ngân hàng cùng quy mô nhiều năm.