Thời điểm này là cơ hội cho cả người bán và người mua đang săn lùng các dự án mới và giải tỏa gánh nặng tài chính của mình. Chúng ta không thể biết khó khăn của thị trường bất động sản sẽ kéo dài bao lâu, song một điều chắc chắn, mua bán vẫn diễn ra thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lý giải, tại Thành phố Hồ Chí Minh nguồn cung mới từ các dự án bất động sản nhà ở sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính của thực trạng này đến từ việc rà soát, thanh kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… tại các dự án. Dù cung khan hiếm, cầu thị trường lớn nhưng lượng giao dịch vẫn sụt giảm mạnh bởi hệ lụy từ cung sụt giảm dẫn đến giá bất động sản có chiều hướng tăng.
Bên cạnh đó, tâm lý e ngại lo sợ của các nhà đầu tư, người tiêu dùng khi thị trường bất động sản xuất hiện nhiều dự án không phù hợp với quy định pháp luật, trong khi nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước gần như không có để giúp họ kiểm chứng cũng là nguyên nhân khiến thị trường kém sôi động.
Theo ông Đính, nhiều năm trước, giá nhà ở các đô thị lớn ổn định, đi lên rất thấp, mỗi năm nhích 2 – 3%. Nhưng hiện tại, giá nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng đột biến, có những dự án trong năm 2019 tăng lên khoảng 10 -15%.
Ông Đính cho rằng, khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh tại đô thị đang là nguyên nhân chính làm tăng giá căn hộ chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khan hiếm nguồn cung không phải do không còn dư địa phát triển mà là tạm thời ngưng phát triển từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Đính đặc biệt nhấn mạnh: “Giá nhà ở hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh đang vượt khỏi khả năng chi trả của người thu nhập trung bình – thấp và đối tượng chính sách. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, nhất là phân khúc bình dân, dẫn đến giá nhà tăng, người dân khó có cơ hội sở hữu nhà ở với giá 1,5 tỷ đồng trở lại”.
Thực tiễn khảo sát cho thấy, nhu cầu căn hộ chung cư tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chiếm tỷ lệ lớn, bởi các nguyên nhân sau: Một là, căn hộ chung cư có hạ tầng tương đối đồng bộ, tận hưởng những tiện ích và dịch vụ hiện hữu mang lại như: siêu thị, coffee, khu vui chơi trẻ em, công viên cây xanh, ngân hàng, trường học, nhà thuốc, bể bơi, phòng tập thể dục thẩm mỹ, sân đánh tennis, bóng đá, hồ cảnh quan… Cuộc sống văn minh hơn, an ninh tốt hơn do được bảo vệ 24/24 và khách hàng dễ mua chung cư với hỗ trợ của ngân hàng…
Chia sẻ về tình hình nhu cầu nhà ở tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, không tính các thành thị đang tăng trưởng, chỉ tính riêng tại hai đô thị lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhu cầu nhà ở đang rất lớn. Tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng dân số trung bình hiện là 2,2%, ở Thành phố Hồ Chí Minh con số này là 2,3%. Mỗi năm, Hà Nội cần phát triển ít nhất 67.333 đơn vị nhà ở có diện tích trung bình 70m2 và Thành phố Hồ Chí Minh là 57.363 đơn vị.
Cũng theo ông Phạm Lâm – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty DKRA Việt Nam, trong 5 năm qua, giá nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh lên tục tăng. Năm 2015 giá căn hộ cao cấp khoảng 45 triệu/m2, nhưng tới năm 2020 khoảng 70 – 90 triệu đồng/m2; căn hộ trung cấp giá khoảng 21 – 25 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên bình quân khoảng 36 – 43 triệu đồng/m2; căn hộ bình dân năm 2015 khoảng 16 – 20 triệu đồng/m2 thì nay đã biến mất khỏi thị trường.
Giá nhà đất leo thang khiến cơ hội sở hữu nhà của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng xa vời. Theo ông Lâm, nếu lấy mức thu nhập 20 triệu/tháng làm mốc thì giá nhà vẫn cao gấp 4 – 5 lần thu nhập hàng năm của người dân. Như vậy, ngay cả người trẻ với mức lương khá cũng chỉ có thể mua nhà có giá khoảng 1 tỷ đồng. Bất cập lớn nhất hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh không còn căn hộ giá rẻ phục vụ nhóm đối tượng này.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, “Tôi không nói 3 cụm từ mà xin nói 3 câu. Thứ nhất, 2020 là một năm nhiều nốt trầm với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Quý I và quý II có những suy giảm đáng kể, tuy nhiên, sự phục hồi xuất hiện từ quý III và quý IV tình hình sẽ tốt hơn”.
Thứ hai, trong 2020, thị trường bất động sản chứng kiến sự lệch pha về thanh khoản và giá cả. Thanh khoản ở mức thấp, nhưng giá không giảm, thậm chí có phân khúc còn tăng nhẹ. Lý do chủ yếu là còn thiếu nguồn cung và dòng tiền còn đổ về những phân khúc này.
Thứ ba, 2020 là một năm tái cấu trúc mạnh mẽ về cả quan hệ cung – cầu, về sản phẩm, về đầu tư công nghệ, mô thức hoạt động và chiến lược kinh doanh. Nguyên nhân là do tâm lý, hành vi đầu tư, tiêu dùng và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp thay đổi khá mạnh ở giai đoạn trong và sau dịch Covid-19, cùng với đó là các biến động về hội nhập, địa chính trị và biến đổi khí hậu toàn cầu, TS Lực cho hay.
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhu cầu thị trường bất động sản vẫn có diễn biến theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt nhu cầu mua nhà ở của cư dân tại Thành phố Hồ Chí Minh không có dấu hiệu giảm.
Lý giải về nhu cầu nhà ở lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh các chuyên gia nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố đông dân nhất cả nước, dân số cơ học hiện đã ở mức 13 triệu người, nhu cầu nhà ở, nhất là với giới trẻ lập nghiệp không ngừng gia tăng đã đẩy nhu cầu về nhà ở tăng cao.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 19,9m2, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người.
Tuy nhiên vẫn còn bộ phận lớn người lao động, đặc biệt là người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn và phần lớn không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí để thuê nhà ở với mức giá phù hợp cũng là điều khó khăn.
Do đó, việc tập trung xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người dân nhập cư… là những yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.