Khi dòng tiền quay trở lại, các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm sẽ được chú ý. Nhu cầu nhà ở tại những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… là rất lớn.
Hiện tại, các thành viên thị trường đã kỳ vọng nhiều hơn vào sự phục hồi của thị trường bất động sản sau một loạt quyết sách quan trọng được Chính phủ và các cơ quan quản lý ban hành, bắt đầu từ việc tháo “chốt” pháp lý cho các dự án bất động sản ở TP.HCM tới động thái liên tục điều chỉnh lãi suất điều hành.
Lãnh đạo một trong những đơn vị phân phối bất động sản lớn nhất miền Bắc chia sẻ rằng, mặc dù vẫn phải cắt giảm nhân sự cũng như tiếp tục co cụm hoạt động kinh doanh để tiết giảm tối đa chi phí, nhưng tình hình hiện tại đã bớt “tối” hơn so với cách đây vài tháng. Từ đầu năm tới nay, tổng số nhân sự nằm trong danh sách cắt giảm của doanh nghiệp này lên tới 1/3 trong tổng số hơn 2.000 nhân viên môi giới tại thời điểm cao điểm, nhưng con số giao dịch sản phẩm thành công đã tăng từ vài sản phẩm/tuần lên vài chục sản phẩm/tuần là một tín hiệu tích cực.
“Các chương trình chiết khấu bắt đầu mang lại hiệu quả. Tại một số dự án, chúng tôi và chủ đầu tư chấp nhận bán gần như hòa vốn để có thanh khoản. Có dòng tiền trở lại thì doanh nghiệp mới sống được”, vị này nói.
Cách đây không lâu, ông Trần Quốc Dũng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã tiết lộ về chiến lược “đưa giá bất động sản tiệm cận mong muốn của khách hàng”. Trong nỗ lực tái cấu trúc, Hưng Thịnh chấp nhận cuộc chơi “không lợi nhuận”, thậm chí “bị ăn cả vào lợi nhuận tích lũy suốt 10 năm qua” để tạo niềm tin cho khách hàng và thúc đẩy khả năng về đích của các dự án hiện hữu.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tín hiệu “vui” bắt đầu quay trở lại thị trường địa ốc khi sự quan tâm của khách hàng bắt đầu gia tăng đối với không chỉ riêng dự án của Hưng Thịnh, mà còn của nhiều chủ đầu tư khác.
Báo cáo mới đây của Reputa – hệ thống lắng nghe và hỗ trợ giám sát danh tiếng do Viettel phát triển cho thấy, các nội dung “tìm kiếm, hỏi thông tin (bao gồm giá sản phẩm, địa điểm dự án, thủ tục pháp lý)” và dịch vụ “mua/thuê/đầu tư bất động sản” được quan tâm nhiều nhất của nhóm người mua, chiếm lần lượt 74% và 25% tổng nội dung thảo luận. Tại nhóm người bán, các nội dung liên quan đến dẫn khách đi thực tế đang được trao đổi nhiều nhất, chiếm 48,06% tổng nội dung thảo luận.
Trên thực tế, hình ảnh hàng trăm người dân xếp hàng từ mờ sáng để nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội ở Đà Nẵng hay Hà Nội những ngày gần đây cho thấy nhu cầu mua nhà ở thời điểm này vẫn rất lớn, chỉ cần có dự án phù hợp là người dân sẵn sàng xuống tiền. Bản thân người viết cũng liên tục nhận được điện thoại của người thân quen để hỏi thông tin “mua dự án này được không?”, “giá dự án kia ổn chứ?”…
Tương tự giai đoạn khủng hoảng 2011-2012, gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp chưa từng có được đưa ra đã kích thích mạnh mẽ sức mua nhà đất, khi người dân nhận ra rằng mình có thể ra ngân hàng và nhanh chóng hoàn tất một khoản vay với mức lãi suất 5%/năm, đồng thời thu nhập từ công việc có thể đảm bảo vừa trả được nợ, vừa đủ chi trả chi phí sinh hoạt.
Ở giai đoạn hiện tại, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và động thái giảm lãi suất vừa qua cũng được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho người mua nhà, bởi họ trông chờ mức lãi suất cho vay có thể về dưới 10%/năm, tương đương mức lãi suất trước khi thị trường khó khăn.
Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra giữa tuần trước, các thành viên Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tới việc cơ quan quản lý cần chủ động sớm “chuyển trạng thái” điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang “thích ứng, nới lỏng phù hợp”, tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2022 và tăng 10,49% so với cùng kỳ năm trước, riêng tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng 2,19% (trong đó, kinh doanh bất động sản tăng 6,45% và phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%).
Vừa qua, trước đề nghị mở rộng hạn mức tín dụng cho ngành bất động sản của cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở và đảm bảo kế hoạch trả nợ.
Tổng Hợp
(ĐTCK)