Tại Việt Nam vẫn chưa đánh thuế BĐS nhà ở thứ 2, thứ 3,… Chính vì vậy, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần nghiên cứu có chính sách thuế bất động sản thứ 2, 3… để góp phần giảm đầu cơ, tăng thu ngân sách.
TS Cấn Văn Lực cho biết từ nay đến 2030, xu hướng BĐS xanh, đô thị thông minh, đa tiện ích kết hợp với hạ tầng đồng bộ; cùng với đó là sự hạn chế nguồn cung đất trung tâm sẽ tạo ra xu hướng phát triển bất động sản ngoại thành, lân cận từ đó kéo theo phát triển hạ tầng cơ sở.
Ngoài ra, xu hướng “Second home” tiếp tục tăng; vấn đề nhà ở xã hội sẽ được quan tâm hơn và dự kiến tiếp tục đưa vào thành mục tiêu chính thức trong chiến lược phát triển nhà ở sắp tới; công nghệ BĐS (proptech) sẽ phát triển nhanh.
Tại hội thảo về “Phát triển thị trường bất động sản nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” mới đây, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, BĐS đóng góp rất lớn vào GDP và nền kinh tế.
Vị chuyên gia dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị do các nguyên nhân như tốc độ gia tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập của người dân tăng làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng, nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở do sự thiếu hụt về chất lượng của nhà ở.
Theo TS Lực, tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030 đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Nhu cầu mới về nhà ở sẽ tiếp tục tập trung ở một vài thành phố lớn, các khu công nghiệp.
Tại Singapore, để ngăn chặn đầu cơ, thổi giá thị trường bất động sản thứ cấp, Chính phủ Singapore cũng đã áp dụng giải pháp đánh thuế bất động sản thứ 2. Theo đó, bất cứ người Singapore nào mua nhà đều phải trả phí 7% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 10% cho căn nhà thứ 3. Riêng đối với người nước ngoài mua nhà thì trả 15% cho mọi bất động sản.
Với người bán, Chính phủ cũng đánh thuế 16% giá trị với bất động sản mua bán lại trong năm, bán vào năm thứ hai đóng thuế 12%, năm thứ ba là 8% và năm thứ tư chỉ đóng 4%. Sau 4 năm người bán sẽ không phải đóng thuế. Đồng thời, Chính phủ nước này cũng đánh mạnh vào hạn mức vay mua tài sản thấp dần từ căn thứ 2.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, dù ủng hộ việc tăng thuế đất phi nông nghiệp cũng như thuế BĐS nhưng khuyến nghị cơ quan chức năng cần phải tính toán cụ thể về đề xuất đánh thuế căn nhà ở thứ hai trở lên.
“Đánh thuế vào cái gì, giá trị hay diện tích? Nếu đánh vào giá trị thì sẽ không còn nhà đẹp nữa, vì chả ai dại gì mà đầu tư xây nhà đẹp để chịu thuế cao hơn. Khi đó sẽ chỉ còn nhà tạm bợ thôi. Do vậy, nếu đánh thuế thì chỉ nên đánh theo diện tích nhà” – ông Võ đề nghị.
Nếu đánh thuế căn nhà thứ hai có thể sẽ giết chết thị trường nhà cho thuê. Lý do là khi người mua nhà thứ hai bị đánh thuế thì người ở nhà thuê sẽ phải chịu phần tăng giá từ việc tăng thuế, như vậy sẽ rất khó khăn với người thuê nhà ở bởi những người thuê nhà thường là người có thu nhập thấp.
Việc đánh thuế lên căn nhà thứ hai trở đi. Mục tiêu là bình ổn thị trường bất động sản, chống đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí. Ngoài ra, để hoàn thiện hơn chính sách thuế và phí BĐS nhằm điều tiết thị trường hiệu quả hơn, cần xem xét các mức thuế được điều chỉnh theo vùng miền; điều chỉnh mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho phù hợp với thông lệ quốc tế (từ 0,2-1%); và đồng bộ hóa chính sách thuế, phí BĐS gắn với thuế, phí đất đai; luôn tính đến yếu tố địa phương, vị trí, thị trường và cần cập nhật thường xuyên hơn.