Các khách hàng hiện nay có xu hướng di chuyển xa trung tâm thành phố hàng chục km để tìm kiếm bất động sản phù hợp. Họ sẵn sàng sinh sống trong phạm vi bán kính 1 giờ đồng hồ lái xe.
Nguồn cung tương lai của thị trường nhà ở dự kiến chủ yếu đến từ các dự án đặt tại những quận, huyện lân cận và ngoại thành. Xét riêng về thị trường chung cư, năm ngoái, khu vực ngoại thành đã đóng góp 30% nguồn cung. Còn trong tương lai, dự kiến dự án chung cư tại 5 huyện sắp lên quận sẽ chiếm 27% nguồn cung.
Chỉ có 3% người dân tại TP HCM tìm mua bất động sản tại Hà Nội, đại đa số tìm mua bất động sản tại chính nơi họ đang sống với tỉ lệ 81%, 12% dự định mua bất động sản tại các tỉnh phía Nam và chỉ có 1% dự định mua bất động sản tại Đà Nẵng. Tương tự, 83% người dân Đà Nẵng có xu hướng tìm mua bất động sản tại thành phố này, 7% có xu hướng tìm mua tại các tỉnh miền Trung, 5% có xu hướng tìm mua tại TP HCM. Các khu vực còn lại như Hà Nội, các tỉnh miền Nam, các tỉnh miền Bắc chỉ dao động khoảng 2%.
Xét về độ tuổi mua nhà, khảo sát cho biết, ở độ tuổi 22 – 29, chỉ có 8% người trẻ có ý định mua nhà trong vòng một năm, 34% có ý định mua nhà trong 1 – 2 năm, 37% có ý định mua nhà trong 3 – 5 năm, 21% có ý định mua nhà trong hơn 5 năm. Ở độ tuổi 30 – 39, có 19% người Việt có ý định mua nhà trong một năm, 38% có ý định mua nhà trong 1 – 2 năm, 29% có ý định mua nhà trong 3 – 5 năm, 14% có ý định mua nhà trong hơn 5 năm. Ở độ tuổi 40 – 49, có 12% trong số người được hỏi dự định mua nhà trong một năm, 48% dự định mua nhà trong 1 – 2 năm, 31% dự định mua nhà trong 3 – 5 năm, 9% dự định mua nhà trong hơn 5 năm. Ở độ tuổi 50 – 59, 10% người Việt có ý định mua nhà trong vòng 1 năm, 49% có ý định mua nhà trong 1 – 2 năm, 37% có ý định mua nhà trong 3 – 5 năm, 5% có dự định mua nhà trong hơn 5 năm. Còn ở độ tuổi từ 60 trở lên, 7% có dự định mua nhà trong vòng một năm, 72% có dự định mua nhà trong 1 – 2 năm, 20% có dự định mua nhà trong 3 – 5 năm và không ai có dự định mua nhà trong hơn 5 năm.
Khảo sát trên cũng cho thấy, người mua bất động sản ở Việt Nam đang tìm nhiều không gian xanh và rộng rãi hơn. Cụ thể, có 61% người được khảo sát mong muốn sẽ sống gần không gian xanh và có sân vườn, 45% đang muốn chuyển ra ngoại ô và các khu vực ít đông đúc hơn. Tỷ lệ này cao hơn ở những người Việt Nam lớn tuổi, đã lập gia đình và có thu nhập từ 20 – 70 triệu đồng/tháng.
Hơn 50% người được khảo sát cũng cho rằng nhu cầu mua ngôi nhà rộng hơn sẽ ngày càng tăng ,nhất là ở những người ở độ tuổi 30 – 39 trở xuống và nhóm có thu nhập cao. Hơn 1/3 người được hỏi cũng dự đoán nhu cầu về bất động sản ven đô sẽ tăng lên.
Những cơn cuồng nộ của đất kéo theo làn sóng nhà nhà đi buôn đất, người người trở thành cò đất chốc lát hay lâu dài đều là những câu chuyện cũ kĩ của thị trường bất động sản từ trước đến nay. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết sở dĩ các cơn sốt đất xuất hiện ở các vùng ven đô và các tỉnh thành bởi đây đều là những vùng trũng về giá đất trong bối cảnh giá đất các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP. HCM đều đã cao. Đây cũng là những vùng được chú trọng đầu tư công cùng với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kéo theo giá bất động sản bị đẩy lên cao.
Ông Đính nhấn mạnh những cơn sốt đất và việc giá đất tăng cao tại các vùng nông thôn kéo theo một thực tế đáng quan ngại là người dân địa phương lao theo những cơn sốt, bán đi những mảnh đất là tư liệu sản xuất quan trọng – mang đến nguồn thu nhập chính của người dân ở nông thôn, nơi mà tỷ trọng nông nghiệp đóng vai trò lớn. Việc người dân chỉ tập trung hưởng lợi từ việc giá đất tăng mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Khi người dân bị hút nguồn lực vào vòng xoáy tăng giá đất đai thì tất yếu nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác bị suy giảm.
Ngoài ra, cũng theo ông Đính, sốt đất và giá đất tăng ở các nơi khiến nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó. Ngoài ra, việc giá đất ở các vùng nông thôn tăng mạnh cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng…
Như vậy, việc phát triển kinh tế địa phương nơi có sốt đất đối mặt nhiều thách thức. Một khi kinh tế không phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh, những người đầu tư đất chưa kịp bán ra sẽ thua lỗ nặng, đặc biệt là những người sử dụng đòn bẩy tài chính có cầm cố tài sản của chính mình.
Tổng Hợp