Trước những tác động của đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4, tại TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, điều này đã khiến nhu cầu lưu trú khách sạn sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, 17 khách sạn buộc phải tạm dừng hoạt động.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng là yếu tố then chốt. Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
Tại một số nước trên thế giới, việc bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vacxin” cũng đang là một xu hướng được ưa chuộng, với hy vọng vực dậy ngành kinh tế không khói ngay khi đại dịch đi qua. Nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa là rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở các giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.
Nguồn cung khách sạn vẫn tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, do nhiều khách sạn trở thành cơ sở cách ly tập trung có tính phí. Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, quan chức nhà nước và khách trong nước tiếp tục tăng. Trong quý II/2021, có 8 khách sạn cách ly mới đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn làm cách ly lên 25 dự án, cung cấp hơn 3.000 phòng. Đa số các khách sạn cách ly tập trung ở Quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình.
Công suất đặt phòng khách sạn bình quân tại TP.HCM trong quý II/2021 vẫn ghi nhận ở mức rất thấp, chỉ đạt 18% tổng nguồn cung sẵn có trên thị trường. Tuy nhiên, tại các khách sạn chuyển đổi công năng, trở thành các cơ sở cách ly có tính phí lại tăng mạnh công suất, ước tính đạt trên 60% trong quý II.
Trong trung và dài hạn, việc đẩy mạnh tiêm chủng vacxin đã được chính phủ nước ta cũng như các nước trên thế giới xác định là chiến lược chính yếu để kiểm soát đại dịch và là chìa khóa mở cửa biên giới toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều quốc gia bắt đầu thí điểm “hộ chiếu vacxin” và từng bước dỡ bỏ một số hạn chế trong cách ly phòng dịch. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp thì việc dựa vào “hộ chiếu vacxin” để vực dậy ngành du lịch chỉ là tiền đề hữu hạn.
Dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập Việt Nam từ đầu năm 2020 thì cho đến nay biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Sau 3 đợt dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch chưa hồi phục trở lại và nhận tiếp “cú đấm bồi” ở đợt dịch lần thứ 4 khiến doanh nghiệp kiệt quệ. Theo Sở Du lịch TP HCM, lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.
Trong nửa đầu năm 2021, TP HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động; các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoặc tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019…
Tại TP Đà Nẵng, từ sau Tết nguyên đán đến nay, hàng loạt khách sạn đã rao bán vì không chịu nổi áp lực của dịch Covid-19. Hiện TP Đà Nẵng có 943 khách sạn với số lượng khoảng 40.000 phòng. Phần lớn các khách sạn đều đóng cửa hoặc chỉ mở để duy trì hoạt động. Trên các sàn giao dịch bất động sản, nhiều đơn vị rao bán khách sạn. Cụ thể, một khách sạn đường Trần Bạch Đằng có diện tích 90 m2 với 19 phòng được rao bán giá 21 tỉ đồng. Khách sạn mặt tiền đường Hồ Nghinh 19 phòng với giá 22 tỉ đồng…
Công suất đặt phòng khách sạn tại TP. HCM đang ở mức rất thấp, chỉ đạt 18%. Tuy nhiên, tại các khách sạn chuyển đổi công năng, trở thành các cơ sở cách ly có tính phí lại tăng mạnh công suất, ước tính đạt trên 60%. Chi phí từ khách nội địa là nguồn thu quan trọng nhất để duy trì hoạt động của các khách sạn, khu du lịch. Song cứ mỗi lần có chút tín hiệu vui thì lại gặp phải đợt bùng phát Covid khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa kịp hồi sức đã lại nguội lạnh.
Nhật Hạ