Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên đà tăng hạn chế hơn so với các nhóm ngành khác. Trong số 27 mã giao dịch trên 3 sàn, có 5 mã đứng giá tham chiếu trong đó 4 mã giao dịch trên UPCoM và 1 mã trên HSX (ABB, BVB, VBB, LPB và BAB), 1 mã giảm (KLB) còn lại 21 mã tăng giá.
Động thái của khối ngoại vẫn tiếp tục hút sự chú ý. Trong phiên hôm nay, STB của Sacombank hút vốn ngoại mua ròng nhiều nhất với gần 1,7 triệu đơn vị, sau khi đã ghi nhận lượng mua ròng tới hơn 23 triệu cổ phiếu trong tuần trước. STB cũng là cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản tốt nhất trong thời gian qua.
MBB cũng tiếp tục ghi nhận mua ròng, nhưng phiên hôm nay đã giảm nhiệt với khoảng hơn 500 nghìn đơn vị. HDBank cũng được mua ròng hơn 400 nghìn đơn vị, BID được mua ròng 300 nghìn đơn vị. Trước phiên này, MBB cùng với STB là hai cổ phiếu được khối ngoại tích cực mua ròng nhiều nhất. Ngược lại, cổ phiếu CTG hôm nay chứng kiến khối ngoại bán ròng mạnh xấp xỉ 1,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu VCB và LPB cũng bị bán ròng.
PGB của PGBank hôm nay tiếp tục tăng mạnh 2.800 đồng tương đương 12,6% lên 25.100 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của PGB. Trong phiên cuối tuần trước cổ phiếu này tăng kịch trần. Tiếp theo là SGB của SaigonBank tăng 500 đồng tương đương 2,8% lên 18.400 đồng. Cả hai cổ phiếu này đều giao dịch trên UPCoM.
Trên hai sàn HSX và HNX, cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB đứng đầu đà tăng với 2,7% tức 950 đồng lên 36.500 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu như TPB của TPBank, TCB của Techcombnak, STB của Sacombank, NVB của NCB, HDB của HDBank và CTG của VietinBank tăng trên 1%. Khối lượng giao dịch nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay thấp hơn các phiên trước, trong đó dẫn đầu vẫn là STB (gần 21 triệu đơn vị), SHB và TCB đạt hơn 15.000 đơn vị mỗi cổ phiếu. MBB đạt hơn 12 nghìn đơn vị.
Phiên giao dịch đầu tuần mới, ngày 9/8, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh ngoài dự báo của nhiều nhà đầu tư. Đóng cửa phiên, chỉ số VN-Index tăng 18,41 điểm lên 1.359,86 điểm; HNX-Index tăng 5,52 điểm lên 537,25 điểm; UPCoM tăng 1,11 điểm lên 89,38 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng, đạt hơn 25.300 tỷ đồng.
Ngành ngân hàng Việt Nam đang ở trong chu kỳ 5 năm phục hồi và phát triển với khả năng sinh lời tốt hơn so với các ngân hàng khu vực. Khả năng sinh lời trên tài sản (ROA) của các ngân hàng Việt Nam đang bắt đầu tiệm cận và vượt khu vực (khoảng 1,8 – 2%). Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam lại được duy trì mức độ đòn bẩy (Tài sản/vốn chủ sở hữu) cao hơn, tầm 8 – 10 lần (do thực tế Việt Nam mới chỉ đang áp dụng tiêu chuẩn Baseal II). Do đó, mức độ sinh lời (ROE = ROA * Đòn bẩy) của các ngân hàng Việt Nam sẽ có thể duy trì ở mức cao hơn (tầm 18 – 20%) trong 5 năm tới. Với mức sinh lời này, thì sau 4 năm thôi, giá trị sổ sách của nhiều ngân hàng sẽ tăng hơn gấp đôi – đó là sự hấp dẫn của ngành ngân hàng Việt Nam.
Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng có thể có nhiều biến động, do tâm lý thị trường và một số áp lực kỹ thuật do tính chất dẫn dắt chỉ số của ngành này. Nhưng nếu xác định đầu tư dài hạn hơn (ít nhất 12 tháng). Với các chỉ số hoạt động cao nhất (như: an toàn vốn, NIM, khả năng tạo thu nhập từ phí; chất lượng tài sản tốt nhất với nợ xấu chỉ ở mức 0,4%), TCB là ngân hàng có nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh và cải thiện ROE.
Về chất lượng tài sản, trong vòng 6 tháng tới, kể cả nợ xấu do Covid tăng lên gấp đôi, tỷ lệ nợ xấu của TCB giả sử tăng từ 0,4% lên 0,8% thì đây vẫn là chỉ số tốt trong hoạt động ngân hàng truyền thống. TCB có khả năng sinh lời trên tài sản ROA là 3%. Với đòn bẩy hiện tại chỉ 6 lần, nên TCB có ROE khoảng 18%. Trong 2 – 3 năm tới, khi TCB nhận được tăng trưởng tín dụng nhiều hơn, đòn bẩy kích lên được 7 – 8 lần, thì việc đạt mức ROE trên 20% với TCB là rất khả thi.
Cương Nguyễn