Cơ quan quản lý tiền tệ cho biết Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn so với các nước trong khu vực.
Đây là nội dung Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời cử tri về kiến nghị chỉ đạo khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm thêm ít nhất 2% lãi suất đối với các khoản vay mới và hiện hữu của từng nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (mức giảm cao nhất hiện nay là 1%).
Theo cơ quan quản lý tiền tệ, thông qua 2 lần giảm lãi suất trong quý IV/2019 và 2 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm 2020 (tháng 3 và 5), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng trong nước đã có xu hướng giảm so với đầu năm. Riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm 1%/năm so với cuối 2019.
Hiện tại, lãi suất huy động bằng VNĐ chỉ phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,25%/năm với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,4-6,4%/năm với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7,3%/năm.
Ở chiều cho vay, lãi suất cho vay tiền VNĐ hiện cũng phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng ở các lĩnh vực ưu tiên đã giảm 1%/năm so với đầu năm, hiện chỉ ở mức 5%/năm.
Tính từ tháng 9/2019 đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm tương ứng 1,75%/năm, đồng thời giảm 0,8-1,25%/năm trần lãi suất huy động và giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Thống đốc NHNN cho biết việc điều chỉnh giảm mạnh trần lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên về mức 5%/năm, sát với lãi suất huy động ngắn hạn của các ngân hàng thể hiện thông điệp của ngành trong việc giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
“Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành tương đối lớn so với các nước trong khu vực”, người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ nhấn mạnh.
Theo công bố của IMF, lãi suất cho vay của Việt Nam hiện ở mức 7,7%, tương đương Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển trong khu vực như Indonesia, Mông Cổ, Bangladesh, Ấn độ, Myanmar….
Ngoài ra, Thống đốc cũng cho biết việc giảm lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu thời gian qua một phần từ việc các ngân hàng tự tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng nhân viên, không chia cổ tức bằng tiền mặt…. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải trả lãi đối với các khoản huy động từ người dân, tổ chức kinh tế (dùng làm nguồn cho vay).
Việc phải hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân trong điều kiện ngân hàng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 cũng là một khó khăn của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc điều hành lãi suất cần đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ và nằm trong tổng thể mục tiêu chính sách tiền tệ.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường nhưng vẫn giữ quan điểm ổn định thị trường tiền tệ để tạo điều kiện cho các ngân hàng ổn định, giảm thêm lãi suất.
Ông Huỳnh Bửu Quang, cựu Tổng giám đốc ngân hàng MSB đã được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng giám đốc Deutsche Bank Việt Nam.
Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho biết chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân hàng, đặc biệt về lãi suất. Trong khi dịch tái bùng phát mang đến những khó khăn mới.