Sau 3 tuần bơm ròng liên tiếp, tuần từ ngày 14 – 18/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng tổng cộng 213 tỷ đồng trên thị trường mở.
Tuần này (từ ngày 21/2 – 23/2), NHNN không phát sinh hoạt động bơm tiền hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống. Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bắt đầu giảm bớt căng thẳng, khi nhu cầu vay mượn vốn kỳ hạn ngắn trên thị trường mở đã giảm rõ rệt.
Trên thị trường huy động vốn dân cư, để huy động dòng tiền gửi nhàn rỗi sau Tết, hàng loạt ngân hàng tiếp tục công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng từ 0,1 – 0,8%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 6 tháng. Nhận định về thị trường lãi suất huy động thời gian qua, nhà phân tích tại Chứng khoán SSI đề cập, biểu lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng trong thời gian qua, đặc biệt dành cho khối khách hàng cá nhân nhằm thu hút lượng tiền gửi dư thừa, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với huy động tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát tăng dần các chuyên gia SSI cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ bắt đầu nhích tăng trong nửa cuối năm 2022. Riêng đối với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước – nhóm ngân hàng ít thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm, nhiều khả năng cũng sẽ tăng lãi suất tiết kiệm từ 20 – 25 điểm cơ bản trong năm 2022 này.
Thanh khoản bớt căng thẳng là yếu tố giúp cho lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt. Trong thời gian tới, theo bà Hoàng Thị Minh Huyền – Chuyên viên phân tích tại Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ dồi dào hơn, khi yếu tố mùa vụ qua đi và lượng vốn FDI thực hiên hay xuất khẩu tăng. Do đó, NHNN có thể sẽ tiếp tục mua ngoại tệ và bơm VND ra ngoài thị trường.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, lãi suất liên ngân hàng của cả 3 kỳ hạn ngắn đều ở mặt bằng cao hơn so với 2 năm trước đó. Vì vậy, trong thời gian tới lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm xuống mặt bằng thấp của năm 2020 hay thấp hơn năm 2021, tuy nhiên, sẽ không còn tăng mạnh như trong các tuần vừa qua.
Cũng trong tuần này, lượng OMO bơm ra đã giảm mạnh xuống còn 522 tỷ đồng, từ mức 14.390 tỷ đồng trong tuần trước đó và gần 9.000 tỷ đồng trong tuần trước Tết. Trong khi đó, 735 tỷ OMO kỳ hạn 28 ngày được bơm ra hệ thống ngân hàng từ hồi tháng 1 cũng đã đáo hạn trong tuần kết thúc vào ngày 18/2. Như vậy, lượng OMO đang lưu hành giảm xuống còn 14.912 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục đóng băng trong hơn 1,5 năm trở lại đây.
Tổng Hợp