Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu” nhìn từ sự ì ạch của gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết 43, có nhiều điểm sáng trong công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc triển khai chậm các gói hỗ trợ, đặc biệt gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ thông qua hệ thống ngân hàng.
Đây là gói hỗ trợ kết hợp giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ, khi chủ trương dành 40.000 tỷ từ nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN) để cấp bù lãi suất 2% cho 1 triệu tỷ vốn vay ước tính được bơm ra hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, tính đến hết tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 170.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất chưa tới 60.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất luỹ kế từ đầu chương trình chưa tới 800 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng (tương ứng 1,95% quy mô gói). Một con số “rất khiêm tốn” so với kỳ vọng ban đầu của Nghị quyết 43. Một chính sách thiết thực cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống nhưng kết quả không như mong đợi.
Trước khi đi vào phân tích nguyên nhân, đầu tiên, chúng ta cần nhìn nhận sự tích cực, sát sao của Chính phủ trong công tác chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các bộ, ngành liên quan khác trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ một cách khẩn trương, quyết liệt, thể hiện rõ qua rất nhiều hội nghị, cuộc họp, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác truyền thông, kết nối giữa ngân hàng với khách hàng, tổ chức các Đoàn công tác liên bộ/ngành để nắm bắt thực tế tiếp nhận chính sách tại nhiều địa phương… Bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng tích cực vào cuộc, truyền thông rộng rãi gói hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng qua nhiều kênh khác nhau, tổ chức hàng loạt hội nghị kết nối với doanh nghiệp, thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội.
Việc giải ngân hơn 98% quy mô gói hỗ trợ còn lại trong vòng chưa đầy 3 tháng (gói kết thúc vào 31/12/2023) được đánh giá là bất khả thi. Điều này cho thấy tính cấp thiết về việc tìm hiểu thực tiễn triển khai tại cơ sở, ý kiến và nguyện vọng từ phía doanh nghiệp, nhằm xác định đầy đủ các nguyên nhân và sớm đề xuất giải pháp, cơ chế tháo gỡ vấn đề. Thực tế cho thấy, không phải chờ đợi tới thời điểm này để gần như có thể kết luận hiệu quả của gói này, bởi vì chỉ một vài tháng sau khi triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP, rất nhiều khó khăn đã được chỉ ra, tuy nhiên, dù cho nhiều hội nghị, họp bàn được diễn ra, nhưng không thực sự có nhiều biến chuyển trong việc thực thi gói hỗ trợ.
Đã từng có ý kiến cho rằng cần xem xét chuyển gói hỗ trợ lãi suất này sang cho vay nhà ở xã hội khi tiến độ giải ngân quá chậm. Tuy nhiên, phương án này không khả thi. Việc hỗ trợ cá nhân vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để mua, thuê mua, xây mới hoặc cải tạo nhà ở xã hội được đề cập cụ thể tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bên cạnh nguồn vốn quy định tại Nghị định 100, trong khuôn khổ chính sách tài khóa – tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, trong đó phân bổ nguồn vốn tối đa 15.000 tỷ đồng cho NHCSXH để cho vay nhà ở xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình công nhân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của NHCSXH đến tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân nguồn của gói vay này không cao (hiện nay dư địa còn khoảng 11.000 tỷ). Cần lưu ý rằng bên cạnh gói vay này, Chính phủ cũng dành một trữ lượng ngân sách khá lớn cho các chương trình hỗ trợ khác nữa, trong đó có sự tập trung chính vào đầu mối NHCSXH. Bên cạnh đó là gói hỗ trợ lên tới 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ lực là nhóm 4 NHTM nhà nước.
Có thể thấy nguồn tín dụng cho vay nhà ở xã hội hiện nay đang rất dồi dào, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương hiện nay còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Thực tế cho thấy doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu về vốn hơn là quan tâm tới yếu tố lãi suất, và họ cũng mong muốn chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn hỗ trợ lãi suất, ví dụ như miễn, giảm, giãn thuế có thể phù hợp hơn trong điều kiện hiện nay. Điều này được khẳng định trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra về thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội liên quan chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế khi cho thấy một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94% kế hoạch.
Tổng Hợp
(Diễn đàn Doanh nghiệp)