Những ngày vừa qua hầu hết thông tin báo chí đều sôi nỗi những thông tin liên quan đến “Ái nữ” nhà Tân Hiệp Phát và Công ty Kim Oanh. Chúng ta hãy nhìn lại “Cú nhảy” vào lĩnh vực bất động sản của Tân Hiệp Phát.
Sự dịch chuyển dòng vốn khá lớn của gia đình ông Trần Quý Thanh vào bất động sản thực chất đã bắt đầu từ lâu và có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng.
Bước đầu với vị câu lạc bộ…
Trước đây, tên tuổi Tân Hiệp Phát và ông Trần Quí Thanh vốn gắn liền với ngành đồ uống, giải khát. Nhưng năm 2018 tất cả đều ngạc nhiên khi ông Trần Quí Thanh và Tập đoàn Tân Hiệp Phát có mặt trong thành phần ban lãnh đạo Câu lạc bộ Bất động sản TP. HCM.
Theo tìm hiểu, Ông Trần Quí Thanh đã từng tham gia vào HĐQT của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn từ lâu, vào tháng 6/2017, ông sở hữu 478.482 cổ phiếu của doanh nghiệp này. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức xuất hiện ở HOSE, ông Thanh trở thành một người giàu trên sàn chứng khoán.
Trước đó, Tân Hiệp Phát đã có 4 nhà máy sản xuất nước giải khát ở Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai – Quảng Nam và Hậu Giang. Ông Thanh đã “úp mở” chia sẻ chuyện Tập đoàn đã sở hữu quỹ đất lớn, đang trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng. Mặc dù không tiết lộ cụ thể quy mô quỹ đất hiện có nhưng theo như lời ông Thanh thì chỉ nói riêng 4 nhà máy đã có khoảng 160ha cả trong và ngoài khu công nghiệp.
Cũng năm 2018, ông Trần Quý Thanh gây chú ý khi tuyên bố “chơi lớn” ở lĩnh vực bất động sản và coi đây là chiến lược kinh doanh mới của tập đoàn. Ngay sau đó, Tân Hiệp Phát đã thành lập hơn 20 doanh nghiệp vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng để hiện thực hoá kế hoạch tỷ đô ở lĩnh vực địa ốc.
Chưa đầy 1 tháng trong năm 2019, Tân Hiệp Phát thành lập 11 công ty với tổng vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng. Đa số do bà Trần Uyên Phương con gái ông Trần Quý Thanh – chủ tịch Tân Hiệp Phát nắm giữ đến 99,9% cổ phần. Tân Hiệp Phát cũng gom hàng loạt dự án với số tiền khổng lồ thông qua đấu giá để bước vào thị trường BĐS một cách minh bạch.
Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập gần đây, từ đầu năm 2018 đến nay gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng) do ông Trần Quí Thanh sở hữu 99,9% vốn.
Rồi thâu toán quỹ đất
Năm 2018, Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Theo đăng ký kinh doanh, VNAMC có 2 cổ đông lớn là bà Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương, mỗi người sở hữu tỉ lệ vốn góp 50%. Cả 2 đều là con gái của ông Trần Quý Thanh – nhà sáng lập, Chủ tịch Tân Hiệp Phát.
Công ty Mua bán nợ VNAMC ra đời sau gần 1 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Cùng thời điểm đầu năm 2018, ngoài VNAMC, có hàng chục công ty mua bán nợ xấu khác ra đời, mục tiêu chính của các đơn vị này nhằm thâu tóm dự án bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng.
Quỹ đất của Tân Hiệp Phát được cho là trải rộng khắp đất nước. Nhưng khẩu vị yêu thích của đại gia ngành nước giải khát này đó là nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất. Với chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô “đất vàng” tại nhiều tỉnh thành đang thu hút đầu tư như Đà Nẵng, Tp. HCM và Vũng Tàu.
Vào tháng 5/2019, ông Trần Quý Thanh cũng tham gia và trúng đấu giá khu đất 18.000m2 giữa thành phố Vũng Tàu với giá 394 tỷ đồng.
Bà Trần Ngọc Bích – con gái thứ hai của nhà Tân Hiệp Phát đã trúng đấu giá quyền sử dụng 9.995m2 đất tại huyện Côn Đảo với giá hơn 80 tỷ đồng cùng 2ha đất tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với giá 170 tỷ đồng. Như vậy 2 khu đất vào tay nhà Tân Hiệp Phát với tổng trị giá là 250 tỷ đồng.
Được biết, khu đất 9.995m2 có mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ, thời hạn cho thuê đất là 50 năm. Khu đất được sử dụng để xây dựng khu du lịch, nhà nghỉ theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Và khu đất 2ha với mục đích sử dụng là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thông qua hình thức bán đấu giá quyền sử dụng đất và thời hạn cho thuê đất là 50 năm kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Ông chủ Tân Hiệp Phát từ phát biểu: “Phương châm của Tân Hiệp Phát là “không gì không thể”. Tùy vào dự án mà công ty có thể đầu tư vốn, đóng vai nhà phát triển hoặc cộng tác… quan trọng là có cơ hội, có cơ hội nào sẽ khai thác cơ hội đó”.
Tại Đà Nẵng, Tân Hiệp Phát đang triển khai dự án Suntory Bay, nằm gần cầu sông Hàn với tổng vốn lên tới 5.000 tỷ đồng.
Tại Tp.HCM, vào tháng 4/2018, bà Đinh Thị Tuyết Nhung đã nhận 163 tỷ đồng từ Tân Hiệp Phát để chuyển nhượng 8 mảnh ‘đất vàng’ tại TP.HCM. Trước đó, 8 mảnh đất này đã được bà Nhung thế chấp ngân hàng.
Từ giữa năm 2019 đến nay nhà Tân Hiệp Phát đã nắm trong tay tổng cộng 3 khu đất với quỹ đất gần 48.000m2 (4,8ha) tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng số tiền bỏ ra là 644 tỷ đồng.
Giữa những điều tiếng và lùm xùm, Tân Hiệp Phát vừa gây sốc và làm chấn động giới bất động sản khi vừa “để lộ” thông tin đổ tiền vào bất động sản và gom đất thần tốc chỉ trong vòng 1-2 năm.