Là một trong số 3 doanh nghiệp hàng đầu chiếm lĩnh thị phần nước giải khát lớn nhất Việt Nam và đang hướng tới doanh số tỷ đô, nhưng từ năm 2009 đến nay, Tân Hiệp Phát vướng không ít bê bối. Khi người tiêu dùng ‘quay lưng’ với đồ uống, Tân Hiệp Phát dấn thân vào lĩnh vực tài chính-bất động sản và tiếp tục… bê bối.
Vốn chủ sở hữu của Tân Hiệp Phát đến cuối năm 2014 chỉ có vỏn vẹn 608 tỷ đồng trên vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Hiếm có công ty nào chưa bán cổ phần cho đối tác bên ngoài đạt được mức lợi nhuận cao như Tân Hiệp Phát.
Từ bê bối đồ uống
Tháng 3/2009, khi bà Nguyễn Thị Thu Hà (chủ quán Thác Vàng, Biên Hòa) phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong. Mặc dù đại diện của Tân Hiệp Phát đã thừa nhận là những sản phẩm lỗi mà bà Hà phát hiện là của Tân Hiệp Phát nhưng khi đưa tiền bồi thường cho bà Hà thì Tân Hiệp Phát lại gọi công an đến bắt vì tội tống tiền.
Do có đầy đủ giấy tờ nên công an đã trả tự do cho bà Thu Hà vào chiều cùng ngày mặc cho sự phản đối của Tân Hiệp Phát.
Năm 2009, Tân Hiệp Phát cũng để xảy ra hàng loạt sai phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm. Cụ thể, tháng 2/2009, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phát hiện 26 tấn hương liệu quá hạn sử dụng trong kho của công ty.
Tiếp đó, ngày 21/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C15B (TP.HCM) phát hiện tại kho số 169 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh cũng của Tân Hiệp Phát chứa 31 tấn nguyên liệu đã quá hạn trên bao bì gốc và được dán nhãn phụ ghi hạn sử dụng mới tới năm 2009-2010.
Ngày 25/6/2009, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương lại phát hiện 9,9 tấn hương liệu quá hạn đang chờ thanh lý trong một kho hàng khác của Tân Hiệp Phát tại Thuận An.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 60 thùng phuy (loại 200 lít/thùng) hương liệu nước cốt ổi, chanh dây, tắc… có thời hạn sử dụng ngày 3/11/2008. Tuy nhiên, trên nhãn gốc của nhà sản xuất được dán tờ giấy ghi thời hạn sử dụng mới là 16/6/2009 và 14/1/2010.
Vào khoảng cuối năm 2010, khi ông Trương Ngọc Tuấn (TP.HCM) mua 2 thùng sữa đậu nành Number 1 Soya về bán và sử dụng thì phát hiện 6 chai đã gợn đục có lớp kết tủa màu trắng. Lô hàng này được ghi trên chai ngày sản xuất tháng 9/2010 và hạn sử dụng ngày 25/6/2011.
Bê bối năm 2011 diễn ra khi chị Nguyễn Thị Thúy (Bà Rịa – Vũng Tàu) có gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng phía nam về việc mua 2 chai sữa đậu nành tự nhiên Number 1 Soya của Tân Hiệp Phát còn hạn sử dụng nhưng lại phát hiện bên trong chai có nổi lên cục màu trắng.
Đến tháng 2/2011, một người tiêu dùng tên H. tại Tiền Giang đã mua nhiều chai nước Dr Thanh để uống trong đó, có một chai nước anh phát hiện ra bên trong có lợn cợn. Phản ánh thông tin tới Công ty Tân Hiệp Phát thì tới ngày 14/4/2011 khi đang nhận 35 triệu đồng cùng đại diện của Tân Hiệp Phát, anh H. bị công an ập vào bắt quả tang và sau đó bị Tòa tuyên phạt 1 năm tù.
Chưa dừng lại ở đó, tới tháng 6/2012, cơ quan công an đã bắt quả tang Trần Quốc Tuấn (Bình Thạnh) nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong sản phẩm của tập đoàn này. Ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh (TP. HCM) xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Những vụ bê bối lẻ tẻ diễn ra mỗi năm liên quan tới sản phẩm nước đóng chai của công ty Tân Hiệp Phát bắt đầu được dư luận chú ý từ khi vụ án “con ruồi 500 triệu” bị vỡ lở.
Cụ thể là vào ngày 3/12/2014, khi bán hàng cho khách, chủ quán cơm Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) có phát hiện có ruồi trong chai nước Number 1 chưa mở nắp của Tân Hiệp Phát.
Tới ngày 27/1/2015, ông Minh đã hẹn gặp đại diện Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), trong lúc ông Minh nhận 500 triệu đồng thì bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang. Thời điểm này, Tân Hiệp Phát bị dư luận lên án về hành vi “bẫy người tiêu dùng”.
Sự việc tạo nên làn sóng phẫn nộ khi ngày 18/12/2015 ông Võ Văn Minh bị tuyên mức án 7 năm tù giam vì tội “cưỡng đoạt tài sản”. Đại diện của Tân Hiệp Phát cũng cho biết, kể từ khi sự việc xảy ra công ty đã bị thiệt hại 2.000 tỷ đồng.
Năm 2015 cũng là năm “đại hạn” của Tân Hiệp Phát khi có thêm hàng loạt những vụ việc khác “tố” sản phẩm của doanh nghiệp này có chứa nhiều dị vật ở nhiều tỉnh thành.
Đến đại án ngân hàng và bất động sản
Không chỉ gặp nhiều bê bối trong chất lượng sản phẩm, gia đình ông Trần Quí Thanh còn đang vướng vào những lùm xùm quan hệ trong đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Trong phiên tòa chiều 10/1 tại Tòa án nhân dân TP. HCM, ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã xin tòa cho giải trình số tiền 2.730 tỷ đồng trả cho ông Trần Quí Thanh (Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát), tuy nhiên, tòa cắt ngang. Ông Danh nói rất uất ức khoản tiền này.
Những dích dắc trong mối quan hệ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát và bị cáo Phạm Công Danh vẫn chưa có hồi kết khi luật sư của ông Danh tiếp tục kiến nghị tòa thu hồi số tiền được cho là chi lãi ngoài hàng nghìn tỉ đồng.
Trong sáng 10/1, khi trả lời thẩm vấn của tòa, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) cho biết, thời điểm 2013, VNCB rất khó khăn, Phạm Công Danh và các nhân viên ngân hàng khác phải đưa tài sản cá nhân vào để chi chăm sóc khách hàng nhằm mục đích huy động vốn. Khi đó, Phạm Công Danh phải đi vay tiền của các đối tác khác như vay của ông Trần Quí Thanh với lãi suất rất cao.
Tại đơn kiến nghị, luật sư Hà Hải cũng cho rằng trong năm 2012 và 2013, bị cáo Phạm Công Danh đã hàng chục lần phải vay tiền từ ông Trần Quí Thanh và con gái ông Thanh là bà Trần Ngọc Bích (gọi là nhóm Trần Ngọc Bích).
Với tổng số tiền vay hơn 20.000 tỉ đồng, Phạm Công Danh đã phải trả lãi suất vượt trần hơn 2.700 tỉ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích.
Ngoài số tiền lãi ngoài nêu trên, luật sư Hải cho rằng trong giai đoạn 1 của vụ án đã xác định ông Phạm Công Danh đã trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích hơn 47 tỉ đồng nhưng đại diện Viện kiểm sát lại không ra quyết định thu hồi khoản tiền này. Luật sư Hà Hải cho rằng số tiền lãi ngoài chi trả cho nhóm bà Bích đã có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật, vì vậy cần thu hồi để khắc phục hậu quả trong vụ án. Tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa ở giai đoạn 1, ông Thần Quí Thanh phủ nhận việc đã nhận hàng ngàn tỉ đồng tiền lãi suất vượt trần trái quy định từ Phạm Công Danh.
Gần đây nhất, Tân Hiệp Phát lại trở thành tâm điểm của dư luận khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) vừa khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau khi nhận được đơn của một số cá nhân, doanh nghiệp tố cáo hai “ái nữ” Tập đoàn Tân Hiệp Phát là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích. Trong Quyết định khởi tố vụ án, còn nêu tên ông Phạm Hoàng Minh và bà Hồ Thị Diễm Trang.
Lời khai của Cty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Cty Kim Oanh – đường Đồng Khởi, khu phố 3, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), ông Minh và bà Trang là vợ chồng và hai người này đã câu kết cùng Tân Hiệp Phát (THP) chiếm đoạt cổ phần của Cty Kim Oanh tại Cty CP BĐS Minh Thành Đồng Nai (trụ sở xã Lộc An, Long Thành, Đồng Nai). Cty Minh Thành có tài sản là dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước (dự án Minh Thành), diện tích hơn 56ha.
Ngày 8/12/2017, hai bên ký hợp đồng thỏa thuận Cty Kim Oanh mua lại 100% cổ phần của Cty Minh Thành từ vợ chồng ông Minh với giá 530 tỷ. Hai bên đồng ý số tiền mua cổ phần sẽ được thanh toán thành một số đợt. Ngày 12/11/2019, hai bên lập biên bản xác nhận Cty Kim Oanh đã trả 265 tỷ mua cổ phần cho vợ chồng ông Minh và đã là chủ sở hữu 50% cổ phần Cty Minh Thành.
Hai bên tiếp tục lập biên bản tái thỏa thuận vợ chồng ông Minh tiếp tục bán cho Cty Kim Oanh 50% cổ phần còn lại trong Cty Minh Thành với giá 265 tỷ. Cty Kim Oanh trả trước 115 tỷ, và từ thời điểm trả 115 tỷ này, Cty Kim Oanh là chủ sở hữu 100% cổ phần Cty Minh Thành.
Số tiền còn lại bao nhiêu, sẽ trả khi bên bán bàn giao đất và sau khi trừ đi tiền sử dụng đất và tiền thuế phải nộp cho Nhà nước.
Để có tiền trả nốt 115 tỷ cho vợ chồng ông Minh, Cty Kim Oanh đã tìm đến THP vay 350 tỷ. Cách thức vay như PLVN đã nêu trong các bài trước, là “giả cách” bằng hợp đồng mua bán và cam kết bán lại. Cụ thể, muốn vay tiền, Cty Kim Oanh phải ký hợp đồng giả cách bán cổ phần trong Cty Minh Thành cho THP.
Đại diện Cty Kim Oanh nói: “Chỉ cần nhìn thoáng qua, đã biết ngay đây là hợp đồng giả cách. Năm 2017, chúng tôi mua 100% cổ phần Cty Minh Thành giá 530 tỷ. Và dự án Minh Thành ngày càng có giá sau khi có đường vào, lên tới cả ngàn tỷ. Vậy cớ gì hai năm sau chúng tôi lại “bán” cho THP giá 350 tỷ đồng?”.
Ngày 13/11/2019, Cty Kim Oanh ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng 100% cổ phần của Cty Minh Thành cho bà Trần Phương Uyên, Trần Ngọc Bích và Cty CP Đầu tư & Phát triển bất động sản TCS (gọi chung là THP). Cùng ngày, bà Uyên, Bích và TCS cũng đã có “cam kết bán lại” 100% cổ phần Cty Minh Thành trong vòng 12 tháng (từ 13/11/2019 – 13/11/2020) cho Cty Kim Oanh. Thực chất đây là thời hạn để bên vay tiền “chuộc” lại tài sản.
Sau đó, phía THP chuyển giúp Cty Kim Oanh 115 tỷ cho vợ chồng ông Minh. Như vậy, theo các hợp đồng thực chất giữa Cty Kim Oanh và vợ chồng ông Minh, đến 13/11/2019, vợ chồng ông Minh đã nhận đủ tiền bán cổ phần Cty Minh Thành cho Cty Kim Oanh, không còn liên quan gì. Lúc này Cty Kim Oanh đã sở hữu 100% Cty Minh Thành.
“Song kiếm hợp bích” cùng vợ chồng ông Minh, ngày 17/8/2020, bà Trần Uyên Phương có văn bản gửi Cty Kim Oanh, cho rằng ngày 12/8/2020 có nhận 350 tỷ từ Cty Kim Oanh để “chuộc” tài sản; nhưng bà Phương viện lý do vợ chồng ông Minh có văn bản không đồng ý bán lại tài sản cho bất cứ ai; nên đã trả lại 350 tỷ cho Cty Kim Oanh. Nói cách khác là từ chối cho Cty Kim Oanh chuộc lại tài sản.
Theo đại diện Cty Kim Oanh, cuộc “lật kèo” của vợ chồng ông Minh chưa dừng lại. Sau khi nhận được văn bản của bà Phương, Cty Kim Oanh nhiều lần đề nghị gặp mặt để bàn bạc sự việc, nhưng vợ chồng ông Minh quay ngoắt 180 độ từ chối. Vợ chồng ông Minh sau đó có văn bản gửi Kim Oanh, phủ nhận những hợp đồng thực tế, chỉ công nhận những hợp đồng giả cách, chối bỏ trách nhiệm.