Biến động của nhóm cổ phiếu bất động sản không quá mạnh trong tuần từ 14 – 18/9. Tuy nhiên, sự phân hóa ở nhóm ngành này diễn ra là khá rõ nét.
Thị trường hồi phục trở lại trong tuần qua với thanh khoản khớp lệnh tiếp tục có sự gia tăng. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 11,98 điểm (1,35%) so với tuần trước đó và đứng ở mức 900,95 điểm. HNX-Index tăng 2,99 điểm (2,37%) lên 129,2 điểm. UPCoM-Index tăng 1,18 điểm (2,37%) lên 60,59 điểm.
Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó do có ít các giao dịch thỏa thuận nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 6.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 12,6% xuống 30.208 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,4% lên 1,8 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,6% lên 3.462 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 12,5% lên 290 triệu cổ phiếu.
Dù thị trường đi lên trong tuần giao dịch vừa qua nhưng xu hướng chủ đạo của các chỉ số vẫn là giằng co rung lắc trước sự phân hóa mạnh ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra rất rõ nét. Thống kê 112 mã bất động sản đang giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, thì có 58 mã tăng giá ở tuần vừa qua trong khi cũng có đến 41 mã giảm giá. Bên cạnh đó, mức tăng, giảm giá của đa phần các cổ phiếu đều không quá lớn.
Đứng đầu danh sách tăng giá của nhóm ngành này là cổ phiếu V11 của VINACONEX No11 với mức tăng 50%. Việc cổ phiếu V11 tăng mạnh không có gì đặc biệt bởi cổ phiếu này thường xuyên không xuất hiện giao dịch và chỉ khớp lệnh đúng 200 đơn vị trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, bởi thị giá chỉ vỏn vẹn 200 đồng/cp nên chỉ cần một bước giá cũng đủ để V11 có mức tăng “khủng” như vậy.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 14 – 18/9.
Trong khi đó, đứng thứ 2 về mức tăng giá ở nhóm bất động sản là TLP của Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ – CTCP nhưng chỉ khoảng 13,7% từ mức 8.798 đồng/cp lên thành 9.999 đồng/cp. Mới đây, ông Lê Trọng Hiếu – Thành viên HĐQT của TLP vừa thông báo đăng ký mua 36 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 16/9 đến 14/10/2020 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Trước đó, CTCP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S đã thông báo đăng ký bán ra toàn bộ hơn 34,42 triệu cổ phiếu TLP nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 15/9 đến 14/10/2020.
Danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản xuất hiện những cái tên đáng chú ý như HTN của Hưng Thịnh Incons (12,6%), THD của Công ty Thaiholdings (8,5%), HDC của Phát triển Nhà BR-VT (8%), LDG của Đầu tư LDG (7,7%), NDN của Phát triển Nhà Đà Nẵng (7,6%)…
Chiều ngược lại, chỉ có 5 cổ phiếu bất động sản giảm giá trên 10% trong tuần vừa qua. Đứng đầu danh sách này là cổ phiếu KAC của Địa ốc Khang An với 39,5%. Tuy nhiên, KAC chỉ giao dịch duy nhất 1 phiên 18/9 với khối lượng khớp lệnh vỏn vẹn 100 đơn vị. Trước đó, KAC đã không có giao dịch trong 25 phiên liên tiếp nên biên độ ở phiên 18/9 lên đến 40%.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 14 – 18/9.
Cổ phiếu PPI của Bất động sản Thái Bình Dương đứng sau với mức giảm 22,1%. Thị giá của PPI hiện chỉ ở mức 701 đồng/cp. Kế tiếp là PWA của Bất động sản Dầu khí với mức giảm 17,3%. Hai cổ phiếu còn lại giảm trên 10% là STL của Sông Đà – Thăng Long (14,3%) và HPI của Khu công nghiệp Hiệp Phước (11,5%).
Trong số 4 cổ phiếu bất động sản có vốn hóa lớn nhất là VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes, VRE của Vincom Retail và NVL của Novaland thì VIC tăng 3,2% lên 94.000 đồng/cp, VRE tăng 0,4% lên 28.500 đồng/cp và NVL tăng 1,6% lên 63.900 đồng/cp.
Tuấn Hào