Nhu cầu nhà phố, biệt thự ở mức cao đã tạo triển vọng tăng giá mạnh mẽ. Cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển đã tạo động lực cho nguồn cung và giá bất động sản liền thổ tiếp tục tăng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Nhiều yếu tố từ hạ tầng, đến chính sách thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong tương lai…
Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho biết, thị trường bất động sản nhà ở bán chứng kiến thực trạng nguồn cung giảm do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội trong quý III/2021. Ở phân khúc căn hộ, Hà Nội ghi nhận nguồn cung mới đến từ các dự án quy mô khu đô thị. Thị phần căn hộ cao cấp lần đầu tiên vượt trung cấp kể từ năm 2014, chiếm tới 65% nguồn cung toàn thị trường. Tại TP.HCM, nguồn cung mới chỉ ghi nhận sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp. Căn hộ bình dân hoàn toàn biến mất khỏi thị trường từ quý 1/2019. Nguồn cung hạn chế khiến tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt mức rất cao, đặc biệt tại TP.HCM.
Tại Hà Nội, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 41% và 42% thì đến quý III/2021, tỷ lệ này đạt 52%. Tại TP.HCM, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 89% và 73% thì đến quý III/2021, tỷ lệ này đạt 82%. “Giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai. Giá dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế. Cụ thể, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp TP.HCM tăng 17%”, bà Dung nhấn mạnh.
Đối với thị trường nhà phố, biệt thự ghi nhận lượng mở bán hạn chế trước giai đoạn giãn cách. Tại Hà Nội, nguồn cung mới của quý III/2021 chỉ đạt 440 căn với cơ cấu biệt thự 1%, liền kề 58% và nhà phố thương mại 41%. Nguồn cung mới phân khúc này trong quý 3/2021 ở TP.HCM chỉ khoảng chục căn với giỏ hàng hóa là 100% các căn liền kề. Theo bà Dung, nhu cầu nhà phố, biệt thự ở mức cao đã tạo triển vọng tăng giá mạnh mẽ. Cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển đã tạo động lực cho nguồn cung và giá bất động sản liền thổ tiếp tục tăng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%, nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TP.HCM, biệt thự tăng 3%, nhà phố tăng 17%, nhà phố thương mại tăng 6%.
Còn bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua. Tuy nhiên, tính đến quý III/2021, Khánh Hòa dẫn đầu về nguồn cung condotel với gần 14.000 căn condotel tung ra thị trường. Giá bán sơ cấp tăng nhờ nguồn cung mới có vị trí tốt và chất lượng cao. Từ năm 2020 đến quý III/2021, giá bán sơ cấp condotel ở Phú Quốc đạt mức gần 4.000 USD/m2, tại Khánh Hòa, Đà Nẵng là gần 2.500 USD/m2, Bà Rịa – Vũng Tàu gần 2.000 USD/m2…
Tính đến hết quý 3, vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản. Các chuyên gia nhận định, thời điểm cuối năm 2021 và cả năm 2022, bất động sản vẫn sẽ là kênh hút dòng tiền đầu tư.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, dư địa phát triển dành cho bất động sản vẫn còn nhiều. Theo VNREA, tỷ trọng ngành bất động sản của Việt Nam năm 2020 chỉ mới đạt 20,89 tỷ USD, chiếm 7,7% GDP cả nước. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ trọng này thường chiếm từ 20-25% tổng GDP. Do đó, ngành bất động sản tại Việt Nam vẫn kỳ vọng nhiều vào dư địa để phát triển.
Triển vọng của thị trường còn trông đợi ở nhiều yếu tố lạc quan khác như chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện với các mốc gia tăng diện tích bình quân nhà ở. Cùng đó, phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công được thúc đẩy, các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần công với tốc độ đô thị hoá tăng nhanh… cũng trở thành những “điểm cộng” đem đến xu hướng tích cực cho thị trường bất động sản. Sự bền vững của nhóm bất động sản còn thể hiện qua lượng vốn tư nhân và vốn FDI đổ mạnh vào thị trường này.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11, tổng vốn ngoại đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản đã đạt gần 2 tỷ USD, tiếp tục trụ hàng ở vị trí thứ ba trong nhóm các lĩnh vực. Trên thị trường phát hành trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản cũng đang xếp thứ nhất với 436.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản cũng đang có mức tăng cao hơn bình quân toàn thị trường và là điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Điều này tiếp tục khẳng định bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Giới chuyên môn nhận định, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn có giao dịch, nhiều người mua bán, giá chứng khoán lên xuống mạnh, phù hợp với những nhà đầu tư lướt sóng. Tuy nhiên, giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro, có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào. Điều này vô hình chung khiến cho kênh chứng khoán kém hấp dẫn hơn.
Tổng Hợp