Ngân hàng Standard Chartered dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 6,7%.
Nhiều tổ chức quốc tế vừa đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Ngân hàng này đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên 7% và nhận định Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý, lạm phát có thể sẽ trở thành mối quan ngại trong năm 2022. Standard Chartered dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ đạt 4,2% trong năm 2022 và 5,5% vào năm 2023. Trong bản Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2 công bố cuối tuần qua, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh khởi đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực.
Theo đó, mặc dù xuất khẩu giảm tốc, tăng trưởng chậm lại nhưng cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân vào Việt Nam cũng có khởi đầu vững chắc trong năm 2022. WB ghi nhận, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2021, tương đương với tỷ lệ được ghi nhận hồi cuối năm trước.
Fitch Solutions (đơn vị chuyên nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Tập đoàn Fitch) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ “tăng trưởng vượt xu hướng” trong những quý tới. Theo đó, trên nền tăng trưởng 2,58% vào năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,0% trong năm 2022, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đề ra.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý: Vấn đề hiện nay là làm sao xử lý được gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng một cách thống nhất để phục hồi kinh tế – xã hội. Cụ thể là nhận thức phải thống nhất (về dịch bệnh, phương pháp ứng phó với dịch bệnh, các yêu cầu sống còn…). Cách triển khai, hành động cũng phải thống nhất, nghĩa là từ nhận thức tới thực tiễn và cách hành động phải thống nhất. Điển hình như sân bay Long Thành thiếu sự thống nhất giữa tỉnh với các nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu nên chưa triển khai được.
“Nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ nhưng thế nào là không hấp thụ được? Có phải doanh nghiệp yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được doanh nghiệp? Phải phân biệt rõ để tháo gỡ. Hiện nay tắc nghẽn là ở các đường dẫn chính sách, thủ tục hành chính, cần phải tháo gỡ để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực. Giải pháp đồng bộ nhưng “tọa độ” ưu tiên phải chuẩn. Như TPHCM phải là “tọa độ” ưu tiên.
Tổng Hợp