Tình trạng cổ phần hóa 2 năm nay hầu như không nhúc nhích với nguyên nhân chính từ việc xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó xác định giá trị quyền sử dụng đất rất khó khăn và doanh nghiệp sợ sai.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận cần phải sửa đổi chính sách. Nghị định 44 có quy định 5 phương pháp xác định giá đất. Nhưng 5 phương pháp lại cho ra 5 kết quả khác nhau, thậm chí chỉ một phương pháp thặng dư nhưng cũng cho ra kết quả khác nhau vì đầu vào khác nhau, các biến số khác nhau. “Vấn đề này sẽ được Bộ Tài chính và Bộ TN&MT phối hợp nghiên cứu để đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 44 trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ Trưởng Tài chính cũng nêu lên các vấn đề tồn tại về chính sách. Cụ thể, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ Nhà nước sang mục đích khác. Nhưng sang đến năm 2020, Nghị định 140/NĐ-CP ra đời đã bãi bỏ Nghị quyết số 60, song Nghị định này không quy định rõ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có được hay không.
“Điều này đã làm cho địa phương lúng túng khi triển khai. Vấn đề trên cần nhận diện một cách chính xác, đúng cốt lõi vấn đề để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp”, Bộ trưởng Phớc nhận định.
Thêm vào đó, việc sắp xếp nhà đất cũng chưa có quy định rõ ràng như xác định lợi thế thương mại, liên danh liên kết… Hơn thế nữa, vai trò của người đứng đầu DNNN chưa thấy được quyết tâm cao, vì vậy tiến độ không đạt yêu cầu.
“Do đó, cần phải có sự tham vấn ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các địa phương để Bộ Tài chính tiếp thu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước, tái cơ cấu hiệu quả. Đây là mục tiêu dài hạn cần đạt tới”,Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Cùng quan điểm về xác định giá trị doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục, nhất là khi quy trình CPH, thoái vốn có thể kéo dài.
Tại báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 5 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 642 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 474 tỷ đồng, trong đó có 1 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 0,7% kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, đã thoái vốn tại 38 doanh nghiệp với giá trị 2.047 tỷ đồng, thu về 6.582 tỷ đồng trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg với giá trị 52,8 tỷ đồng thu về 85,1 tỷ đồng, còn lại là thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty tại doanh nghiệp.
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, tổ chức vào ngày 17/5/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, tình trạng CPH 2 năm nay hầu như không nhúc nhích với nguyên nhân chính từ việc xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó xác định giá trị quyền sử dụng đất rất khó khăn và doanh nghiệp sợ sai.
Theo đó, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh việc đổi mới, cơ cấu DNNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ các cơ chế chính sách về tái cơ cấu DNNN. Cụ thể, việc hoàn thiện cơ chế chính sách được triển khai hiệu quả thông qua việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn…
Những “nút thắt” về cơ chế chính sách đã được cơ quan quản lý nhà nước nỗ lực tìm cách tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khâu xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước. Song trong thời gian qua, công tác này còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại đã gây thất thoát, lãng phí. Đơn cử như sau khi kiểm toán thì giá trị của doanh nghiệp lại tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần.
Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề giá trị quyền sử dụng đất. Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường, mà dù có sát thị trường song sau 10 năm, 20 năm thì giá trị của doanh nghiệp lại khác…, đây là lỗ hổng thất thoát. Mặt khác với việc nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp CPH có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác… Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát”, ông Hồ Đức Phớc cho biết.
Tổng Hợp