Thống kê sơ bộ báo cáo tài chính quý I/2023 của các công ty chứng khoán cho thấy rõ tình trạng dư thừa nguồn vốn lúc này. Nhiều nhà đầu tư “tha thiết” vay giao dịch ký quỹ (margin) vì nhiều lý do khác nhau…
Các công ty chứng khoán đã phải thay đổi chiến thuật kinh doanh cho phù hợp với diễn biến thị trường, tăng khả năng phục vụ khách hàng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cụ thể, không ít công ty liên tục đưa ra các gói ưu đãi lãi suất margin như SSI với gói 5.000 tỷ đồng, lãi suất 9%/năm; Yuanta có gói cho vay với lãi suất 9%/năm trong 3 tháng khi mở tài khoản mới; Mirae Asset có gói cho vay với lãi suất từ 9 – 11,5%/năm, tuỳ từng đối tượng khách hàng, giảm so với mức 13,5%/năm cuối năm 2022…
Một số công ty có ưu thế vốn giá rẻ cũng đang tìm kiếm đầu ra cho dòng tiền dư thừa, mức lãi suất cho vay từ 7,3 – 8%/năm.
Sau 2 đợt giảm một số loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3/2023, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định hơn sau các biến cố trong năm ngoái, góp phần làm giảm áp lực lên lãi suất. Đây là cơ sở để các công ty chứng khoán hạ lãi suất cho vay margin. Tuy nhiên, mức độ sử dụng margin của khách hàng vẫn thấp, nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi tín hiệu về thời điểm an toàn để quay trở lại thị trường chứng khoán.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng thêm lãi suất và các biến số liên quan đến các một số ngân hàng lớn trên thế giới khiến các nhà đầu tư trong nước lo ngại. Tình trạng rón rén margin phù hợp với khuyến nghị của các chuyên gia, cũng như môi giới chứng khoán, đó là không nên sử dụng đòn bẩy quá cao lúc này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, giảm lãi suất cho vay margin không hẳn sẽ giúp dư nợ cho vay margin tăng, mà phụ thuộc vào mức độ tự tin của nhà đầu tư trên thị trường.
Đồng quan điểm, ông Petri Deryng, nhà quản lý Quỹ Pyn Elite Fund nhận định: “Khi tâm lý trên thị trường được cải thiện, các khoản margin sẽ lại được triển khai để mua cổ phiếu”.
Tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 3/2023 là 123.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay margin 118.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Trong khi đó, giai đoạn 2020 – 2021, các công ty chứng khoán tích cực tăng vốn và “bơm” margin kịch trần để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đảo chiều kể từ tháng 4/2022, điểm số và thanh khoản nhìn chung liên tục sụt giảm, khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin.
Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Cuối quý I/2023, tổng vốn chủ sở hữu khối công ty chứng khoán đạt trên 190.000 tỷ đồng, dư nợ margin/vốn chủ sở hữu là 62%, chỉ bằng một nửa giai đoạn 2020 – 2021. Chiếu theo quy định, khối công ty chứng khoán đang có dư địa cho vay khoảng 265.000 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2023, dư nợ cho vay margin tại Mirae Asset là 11.373 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cuối năm 2022. Mặc dù dư nợ margin giảm 1.253 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, nhưng Mirae Asset vẫn là một trong hai công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin trên 10.000 tỷ đồng, bên cạnh Chứng khoán SSI là 10.951 tỷ đồng. Trong cùng khoảng thời gian, HSC có dư nợ margin 6.907 tỷ đồng, giảm 472 tỷ đồng.
Ngược lại, một số công ty chứng khoán có dư nợ margin tăng như TCBS tăng 790 tỷ đồng, lên 9.251 tỷ đồng; KIS tăng 441 tỷ đồng, lên 5.191 tỷ đồng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)