Báo cáo thị trường bất động sản của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận lượng giao dịch của thị trường II năm nay tăng 30% so với quý trước đó. Người mua bất động sản vẫn chưa chịu “xuống tiền” vẫn trong trạng thái nghe ngóng.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy mức độ quan tâm của người tìm kiếm bất động sản và lượng tin đăng đều tăng trong 2 tháng gần đây.
Tuy nhiên, tỷ lệ xuống tiền mua thực vẫn thấp. Nguyên nhân là vì nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây chưa phải là thời điểm xuống tiền tốt.
Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn và diễn biến của tình hình tài chính toàn cầu đang khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc, chọn bước đi thận trọng. Nhà đầu tư không liều lĩnh sử dụng đòn bẩy tài chính đi mua nhà đất như trước đây.
Đặc biệt, với nhà đầu tư có sẵn dòng tiền, niềm tin giá nhà giảm sâu và việc phải ép giá hạ xuống bằng thời điểm trước khi “sốt đất” đã khiến họ không vội xuống tiền ngay.
Anh Nguyễn Văn Long – một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội – cho rằng, giá nhà đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với giá trị thực. Theo anh dự đoán, năm sau mới là giai đoạn bắt đáy bất động sản tốt nhất. Anh đang dành nguồn tiền đến thời điểm trên sẽ bắt đáy bất động sản cắt lỗ.
Bên cạnh đó, theo anh Long, những chính sách khắc phục khó khăn cho thị trường bất động sản để đi vào thực tế cần nhiều thời gian. Do đó, ít nhất là từ 3 đến 6 tháng nữa, bất động sản mới có thể tốt trở lại.
Dự báo của giới chuyên gia, thị trường bất động sản quý IV năm nay có thể sẽ chứng kiến thanh khoản tích cực hơn do giới đầu tư thấy được những chuyển biến tích cực. Nhưng để hình thành sóng giao dịch là rất khó xảy ra vì khá ít người có niềm tin về việc bất động sản sẽ sớm tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.
Cần phải nhìn nhận nhóm nhà đầu tư có sẵn dòng tiền, đang chuẩn bị bắt đáy bất động sản không phải là nhóm khách mua chủ lực giúp gia tăng thanh khoản bền vững cho thị trường bất động sản. Nhóm này cũng không quá đông đảo để có thể làm thị trường “ấm” lên.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi,… nhưng doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Trong đó bao gồm các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do “sức khỏe” vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.
Khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy, nguồn vốn vẫn là khó khăn dai dẳng, đeo bám các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vẫn chưa thực sự phát huy tác động tới doanh nghiệp.
Hệ thống vay của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu bất động sản và vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, dòng tiền từ các kênh này đều đang “trục trặc”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, thị trường trái phiếu đã ghi nhận một số tín hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa giải quyết được nỗi lo áp lực đáo hạn tới năm 2026. Đây là hệ lụy của sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với số lượng phát hành tăng đột biến vào giai đoạn 2019 – 2021.
Ông Đính cho rằng, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa muốn xuống tiền mua nhà. Trong khi đó, điều kiện vay tín dụng ngân hàng đang ngày càng có xu hướng “thắt chặt” để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch… trên thị trường gần như bị ngưng trệ”, vị Chủ tịch VARS cho hay.
Thực trạng này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cùng hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất,… Đồng thời, điều này cũng gián tiếp gây ra những hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Meeyland)