Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản đã “đảo chiều” và rơi vào trạng thái trầm lắng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 hai năm về trước. Không có “sốt đất” bất chấp thị trường bất động sản gặp khó khăn năm 2023…
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã chứng kiến tình trạng “sốt đất” cục bộ tại một số địa phương khi có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu đô thị, giao thông,… Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản đã “đảo chiều” và rơi vào trạng thái trầm lắng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 hai năm về trước.
Minh chứng là theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản, số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự, cắt chi phí lương thưởng, truyền thông dự án… Một số doanh nghiệp còn gửi đơn “kêu cứu” lên cơ quan chức năng khi đứng trước tình trạng “đóng băng” các dự án, dòng tiền đổ về gần như âm.
Do đó, sang năm 2023 nhiều nhà đầu tư lo ngại tình trạng “sốt đất” của thị trường bất động sản sẽ lặp lại. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đang rất dè chừng khi tham gia thị trường bất động sản giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư bất động sản có nhiều kinh nghiệm dự đoán thị trường sẽ không có “sốt đất”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tình trạng sốt đất đầu năm 2022 một phần là do thị trường bất động sản đang được kỳ vọng quá lớn vào khả năng hồi phục. Vì vậy mà tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn muốn tham gia thị trường, đẩy giá bất động sản tăng cao. Song, đến giữa năm với hàng loạt các động thái thắt chặt về tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý khiến tâm lý chung của thị trường có sự biến động khiến thị trường bất động sản “hạ nhiệt sốc”.
“Do đó năm 2023, tình trạng sốt đất có lặp lại hay không còn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh bên ngoài. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường năm nay sẽ không rơi vào trạng thái như cũ”, ông Đính chia sẻ.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết có 2 nguyên nhân không xảy ra tình trạng “sốt đất” như năm trước. Thứ nhất, năm nay hiện tượng đầu cơ sẽ ít hơn do việc sử dụng “đòn bẩy tài chính” đang trở nên khó khăn. Đối với nhà đầu tư, tâm lý vẫn rất dè chừng và trở nên thận trọng trước khi “xuống tiền”. Ngoài ra, thị trường bất động sản đang hướng về nhu cầu thực nên khó xảy ra tình trạng “sốt nóng”.
Thứ hai, những thăng trầm trong năm 2022 sẽ đem đến nhiều bài học cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, kể cả những nhà làm chính sách trong năm 2023. Do đó, thời gian tới dù khó khăn, thị trường vẫn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó.
Còn theo đánh giá của TS Đinh Thế Hiển, ngân hàng sẽ có kế hoạch nới room tín dụng vào đầu năm 2023 nhưng sẽ không có chuyện dòng tiền dễ dàng đổ vào bất động sản như thời gian trước. Các doanh nghiệp bất động sản cần lên kế hoạch sử dụng dòng tiền hiệu quả, chú trọng xây dựng cơ cấu vốn hợp lý, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung hạn. Trong năm 2023 được đánh giá là năm có nhiều thuận lợi cho thị trường bất động sản khởi sắc. Khả năng những khó khăn về pháp lý được tháo gỡ là rất cao, room tín dụng mới như một liều kích thích đưa thị trường bất động sản đi qua khó khăn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những chỉ đạo từ Chính phủ trong thời gian qua là những tín hiệu tích cực, cơ hội để các dự án bất động sản giải quyết được bài toán dòng vốn và xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Theo đó, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án, là cơ sở để thị trường bất động sản 2023 có cơ hội hồi phục, chuyển biến, thậm chí là “đảo chiều” từ trầm lắng sang khởi sắc.
PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ sang trang mới khi những vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ; nhiều luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.
Hiện nay, theo nhiều chuyên gia chia sẻ phần lớn các doanh nghiệp phát triển thị trường bất động sản chỉ có sẵn khoảng 20% tiền mặt để giải phóng mặt bằng, còn lại 80% số tiền phát triển dự án là phải đi vay. Trong đó, hai kênh dẫn vốn quan trọng nhất là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và trái phiếu bất động sản.
Tổng Hợp
(Dân Việt)